Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 5/6/2012 22:11'(GMT+7)

432.788 tỷ đồng đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu

Trong cả lý luận và thực tiễn, Ðảng ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí tầm chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý và đề ra những giải pháp chủ yếu trong việc quy hoạch xây dựng và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.788 tỷ đồng, bằng 49,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006-2011, tổng giá trị Hiệp định về ODA đã được ký kết hơn 26,897 tỷ USD, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo là 3,833 tỷ USD.

Dư nợ cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Tính đến 31/12/2011, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các TCTD đạt 499.056 tỷ đồng, tăng 30,64% so với 31/12/2010 và gấp hơn 3 lần so với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại thời điểm 31/12/2006. Dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đến ngày 31/12/2011 là 103.731 tỷ đồng, tăng 15,95% so với cuối năm 2010 và tăng gấp 4,3 lần so với dư nợ cuối năm 2006.

Nhiều lĩnh vực được đầu tư đem lại tác động tích cực

Thủy lợi là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu, nhiều công trình thủy lợi quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng, góp phần tăng cường năng lực tưới tiêu, tăng tính chủ động và phát triển bền vững trong nông nghiệp. Đến nay, tổng năng lực tưới thiết kế của hệ thống thuỷ lợi khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác. Các công trình thuỷ lợi còn đáp ứng mục tiêu ngăn mặn cho 0,87 triệu ha, cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha, duy trì cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên 5,650 tỷ m3/năm.

Hạ tầng giao thông nông thôn đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng. Đến năm 2011, cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, chiếm 98,6% tổng số xã. Lưới điện trung và hạ áp tại các địa bàn nông thôn đã được mở rộng mạng lưới cung cấp điện tới các xã, huyện thuộc các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2011, đã có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện.

Tính đến năm 2011, cả nước có 45,5% số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tăng 9% so với năm 2006; tỷ lệ hộ dân nông thôn có nước hợp vệ sinh để dùng đạt 78%. Mạng lưới thông tin, văn hoá, thể thao và truyền thông nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Đến năm 2011 đã có 81,5% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn (năm 2006 là 75,4%); 38,7% số xã có nhà văn hoá xã (năm 2006 là: 30,6%); 48% xã có sân thể thao.

Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sống trên địa bàn nông thôn. Trong 5 năm 2006-2010, giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 5,1%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành 3,3% vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Quốc hội đề ra. Năm 2011, trong khi nền kinh tế nước ta gặp khó khăn và diễn biến thị trường thế giới có nhiều phức tạp, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 28% so với năm 2010, đã góp phần giảm nhập siêu, nông nghiệp trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Đến năm 2011, thu nhập và mức sống của người dân nông thôn đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển. Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng nhu cầu thực tế rất lớn, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn, chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại; từng bước giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần đối với nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải quyết tâm rất cao và phải tập trung khắc phục trong những năm tới”.

(QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất