Ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á cho rằng, tăng
trưởng 4G tại Việt Nam hết sức ấn tượng và dự báo đến năm 2020, 67% số
lượng thiết bị bán ra tại thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ kết nối 4G LTE
và thuê bao 3G và 4G có thể sẽ lên tới con số 120 triệu.
Bình luận về con số Việt Nam hiện có 3,5 triệu thuê bao 4G hoạt động trong khi có tới khoảng 6,3 triệu thuê bao đã đổi SIM 4G, ông
Mantosh Malhotra nói: “Tôi có biết một số trường hợp người dùng sử dụng
điện thoại 3G nhưng vẫn đi đổi SIM 4G, và SIM 4G tất nhiên chỉ hoạt
động được trên điện thoại 4G. Bên cạnh đó, kể từ khi triển khai thương
mại dịch vụ 4G đến nay chỉ mới 8 tháng. Thường thì phải mất một thời
gian lâu hơn để bất kỳ một công nghệ nào đạt số đông người dùng. Do đó,
thời điểm này vẫn còn sớm để đánh giá mức độ nhiệt tình đón nhận công
nghệ 4G tại Việt Nam”.
Ông Mantosh Malhotra cho rằng, có nhiều động lực để các nhà
mạng triển khai 4G. Các nhà mạng đã đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ
4G và họ mong muốn có nhiều người dùng sử dụng 4G. Các nhà sản xuất
thiết bị đầu cuối cũng mong muốn người dùng chuyển sang 4G. Ở nước
ngoài, dịch vụ 4G thường được phủ sóng theo từng vùng, bắt đầu từ những
vùng có sức hút lớn trước và mở rộng. Tại Việt Nam đã phủ sóng 4G đến
hơn 90% dân số ngay từ đầu và là một tiền đề rất tốt để triển khai 4G
rộng.
Bình luận về triển khai 4G
của Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của
Qualcomm cho rằng, Việt Nam có đủ điều kiện ứng dụng và phát triển công
nghệ 4G nhanh hơn các nước khác. Ông Thiều Phương Nam dẫn chứng, khi
nhìn lại sự phát triển của 3G ở Việt Nam, khi đưa dịch vụ này chính thức
được cung cấp vào năm 2009, đã mất khoảng 6-7 năm để đến thời điểm thuê
bao 3G vượt quá 50% tổng số người dùng. Trung bình, thời gian chuyển
đổi từ 2G lên 3G sẽ gấp đôi thời gian từ 3G lên 4G. Tuy nhiên, Việt Nam
có lẽ sẽ nhanh hơn vì một số lý do sau: thứ nhất, các nhà mạng, tiêu
biểu là Viettel, khi nhận giấy phép thì tiến hành triển khai trên toàn
quốc. Thông thường, các nhà mạng khác triển khai tốc độ chậm hơn, bắt
đầu từ các khu vực có khách hàng nhu cầu cao, và triển khai rộng dần.
Thứ hai, hiện nay, lượng smartphone vào Việt Nam trong năm nay có đến
90% hỗ trợ 4G, trong khi tỷ lệ thiết bị hỗ trợ 4G năm trước thấp hơn rất
nhiều và giá thiết bị đầu cuối 4G cũng giảm nhiều. Do đó việc thay đổi
thiết bị từ 3G sang 4G sẽ dễ dàng hơn.
“Hiện giá cước 4G các nhà mạng Việt Nam đưa ra cũng hợp lý và ngay cả
với mức giá bằng 3G, các nhà mạng đã có lợi nhuận cao hơn khi cung cấp
dịch vụ 3G, do chi phí cung cấp 1GB trên 4G thấp hơn trên 3G. Tuy nhiên,
điều đó không có nghĩa mọi việc đã xong bởi khi nhà mạng tuyên bố phủ
trên 90% đất nước/dân số, đó chỉ mới là độ phủ rộng. Thế nhưng, ngoài
vùng phủ rộng thì người dùng kỳ vọng khi sử dụng 4G sẽ có sự đột phá về
chất lượng. Muốn 4G có chất lượng đột phát so với 3G thì có rất nhiều
việc cần thực hiện như gộp sóng mang, triển khai công nghệ mới
Voice-over-LTE… để người dùng thấy dùng thoại trên 4G LTE rõ hơn các
công nghệ cũ. Bên cạnh đó, nhà mạng vẫn cần phải tiếp tục đầu tư vào hạ
tầng 4G và tối ưu hóa mạng lưới để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch
vụ cung cấp cho khách hàng” ông Thiều Phương Nam nói.
Chia sẻ thêm về triển khai 4G tại Việt Nam, ông Patrick Tsie, Giám
đốc công nghệ của Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, có nhiều cách
khác nhau để các nhà mạng mở rộng 4G một cách hiệu quả. Ví dụ, các nhà
mạng có thể ứng dụng small cells để phủ sóng tại các khu đô thị nơi có
nhiều nhà cao tầng. Hiện tại Qualcomm cũng hợp tác chặt chẽ với các nhà
mạng để giúp họ xây dựng chiến lược để họ có thể xây dựng hạ tầng 4G với
chi phí thấp, giúp họ có thể triển khai các dịch vụ với mức cước hợp lý
cho người dùng cuối. Khi người dùng cuối thấy mức cước hợp lý, họ sẽ
gia tăng sử dụng dịch vụ 4G./.
Theo ICTnews