Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 8/3/2009 21:27'(GMT+7)

50 doanh nghiệp đến từ Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Đan Mạch đến Việt Nam

Như vậy, cùng với chuyến đi khảo sát thị trường Việt Nam của 63 doanh nghiệp vùng Kansai (Nhật Bản) vừa kết thúc vào ngày 6/3/2009, với kế hoạch đón tiếp khoảng 30 doanh nghiệp Nhật Bản khác đến Việt Nam cũng trong tháng 3/2009 và khả năng vào cuối tháng 3, một đoàn doanh nghiệp từ Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất sẽ đến Việt Nam, tần xuất các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới Việt Nam trong đầu năm 2009 khá dày đặc.

Một thực tế rõ ràng là cho dù những bất ổn kinh tế toàn cầu, thì các nhà đầu tư vẫn không dừng các kế hoạch đầu tư kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam.
Thậm chí, giới phân tích cũng đang ghi nhận những động thái tích cực trong việc tranh thủ cơ hội đầu tư giá rẻ, sự chào đón của các thị trường thông qua các chính sách kêu gọi đầu tư… Đã bắt đầu có tín hiệu cho thấy khả năng chuyển dịch lớn về địa điểm kinh doanh .

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một doanh nghiệp Australia (đề nghị không nêu tên) đã tiết lộ kế hoạch đầu tư sang Việt Nam thay vì Trung Quốc và Thái Lan. Nếu như Thái Lan bị loại khỏi kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư này vì lo ngại bất ổn chính trị, thì khó kiểm soát rủi ro là vướng mắc mà nhà đầu tư nói trên không vượt qua được khi tiến hành khảo sát dự án đầu tư tại Trung Quốc.

"Tôi đã khảo sát và thấy được sự khác biệt về thủ tục hành chính ở một số địa phương tại Việt Nam. Việc lựa chọn địa điểm đầu tư vào thời điểm này đối với chúng tôi phụ thuộc khá nhiều vào sự rõ ràng, nhanh chóng của các thủ tục hành chính", vị giám đốc này cho biết. Hiện tại, doanh nghiệp này đang hoàn thành các thủ tục hành chính để có thể sớm triển khai dự án.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 3 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hiroshi Shimozuma, Chủ tịch Liên đoàn Các nhà kinh tế vùng Kansai (Nhật Bản) cũng đã nhắc tới cơ hội này khi thông tin về những khảo sát, đánh giá của các doanh nghiệp vùng Kansai về Việt Nam với tư cách là địa điểm đầu tư được lựa chọn. Trước đó, trong công bố khảo sát của mình, Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) cũng đã xếp Việt Nam vào vị trí thứ 3 về địa điểm đầu tư yêu thích, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, công nghiệp ô tô, máy móc, dầu mỏ, cao su, kim loại màu...

Như vậy, cơ hội để đẩy mạnh số dự án mới tại Việt Nam cũng như tăng nhanh các nguồn vốn đầu tư mở rộng đang được chính các nhà đầu tư nước ngoài chủ động. Giả thuyết rằng, các kế hoạch kinh doanh của giới đầu tư gặp được sự sẵn sàng về thủ tục hành chính, sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khu vực và cả nước, thì con số trên 5,3 tỷ USD vốn FDI trong hai tháng đầu năm sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cũng phải nhắc tới những lấn cấn trong phối hợp quản lý hoạt động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trên trang thông tin chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), con số trên 5,3 tỷ USD này là tổng hợp báo cáo từ 7 địa phương, gồm TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Trong khi cùng thời điểm đó, Quảng Ninh đã chính thức chấp thuận cho phép cho nhà đầu tư Limiless LLC (thuộc Tập đoàn Dubai World- Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất), nâng tổng giá trị đầu tư của Dự án tổ hợp khách sạn Halong Star từ 180 triệu USD lên 550 triệu USD. Chỉ tính thêm một dự án trên thôi, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã thay đổi.

Mặc dù con số vốn đăng ký không thực sự có ý nghĩa lớn như nguồn vốn giải ngân, song bất cập nêu trên cho thấy sự lấn cấn của một số địa phương trong quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Rõ ràng, khó có thể có được bức tranh tổng thể, kèm với những đề xuất phù hợp từ các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường hiệu quả của dòng vốn quan trọng này với bảng số liệu chưa thật cập nhật từ địa phương.

Báo Đầu tư
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất