Hiện nay, số trạm y tế xã được đầu tư để đạt Tiêu chí quốc gia về y tế,
đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân còn thấp, hiện mới đạt
khoảng 50%.
Theo thống kê sơ Bộ của Bộ Y tế, cả nước còn khoảng 200 trạm y tế chưa
có nhà; khoảng 2.650 trạm y tế xã là nhà tạm, cần phải xây dựng mới,
khoảng 3.000 trạm cần phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh tại
Lễ Khánh thành công trình trạm y tế Xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh
Sơn La diễn ra sáng 13/12. Đây là công trình thuộc chương trình hỗ trợ
chính sách ngành y tế do Liên minh châu Âu (EU) viện trợ và là một trong
số những công trình đầu tư cho trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y
tế xã được đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau. Cơ sở này là nơi cung cấp
các dịch vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe một cách có
chất lượng, hiệu quả cho người dân và đồng bào các dân tộc.
Theo người đứng đầu ngành y tế, do điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay
vẫn chưa có nguồn vốn riêng từ ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính
phủ để đầu tư cho các trạm y tế xã, mà chủ yếu đang dựa vào một số dự án
ODA, ngân sách địa phương, vốn đầu tư từ Chương trình 135, chương trình
nông thôn mới và hỗ trợ từ một số doanh nghiệp...
Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra sổ khám bệnh tại Trạm Y tế Xã Chiềng Yên. (Ảnh: Vietnam+)
Huyện Vân Hồ hiện nay chưa có bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm y tế
sau khi chia tách chưa có trụ sở làm việc (hiện đang làm việc trên cơ sở
của Trạm y tế Xã Vân Hồ).
Việc thực hiện đầu tư xây dựng Trạm trạm y tế Xã Chiềng Yên sẽ thực hiện
tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong huyện và nâng tỷ lệ
Xã đạt chuẩn quốc gia năm 2016.
Công trình xây dựng Trạm trạm y tế Xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ được xây
dựng trong 10 tháng, với tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng.
Công trình được thiết kế 2 tầng với tổng diện thích hơn 150 mét, diện
tích sàn hơn 300 mét vuông để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho
người dân vùng cai của tỉnh Sơn La.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước có khoảng 70% số lượt khám, chữa
bệnh là ở tuyến huyện và tuyến xã, riêng đối với các xã miền núi, vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn là những nơi có tỷ lệ người nghèo, người cận
nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì tỷ lệ này còn cao hơn
nhiều.
Hệ thống y tế cơ sở tốt sẽ bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân
ngay tại gần nơi cư trú, nhất là đối với vùng nông thôn, miền núi, nơi
điều kiện kinh tế-xã hội, đời sống của người dân còn khó khăn./.
KT