Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 14/5/2014 17:34'(GMT+7)

500 trí thức trẻ góp phần phát triển nông thôn, miền núi

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” nhằm làm rõ hơn về Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đã tham dự buổi tọa đàm.

Sẽ không xảy tiêu cực trong quá trình lựa chọn

Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020 phấn đấu đến năm 2015 tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Các trí thức được bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho địa phương. Đối tượng của Đề án là thanh niên dưới 30 tuổi, có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu bố trí và sử dụng của chính quyền cơ sở; có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng; đồng thời phải có sức khỏe tốt. Đến nay, Bộ Nội vụ đã phê duyệt phân bổ 500 trí thức trẻ cho 163 huyện thuộc 34 tỉnh vào 5/7 chức danh công chức chuyên môn cấp xã.

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), cho biết, sẽ có 5 chức danh công chức xã cần tuyển trong đợt này. Do đòi hỏi chuyên môn sâu về lĩnh vực được phụ trách nên ứng viên phải tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành được tuyển. Quan điểm của Đề án là tạo cơ hội ngang nhau cho các ứng viên, ứng viên có thể đăng ký dự tuyển ở tỉnh mà mình không có hộ khẩu. Đề án có quy định điểm ưu tiên cho những trí thức trẻ có hộ khẩu thường trú ổn định tại địa phương trong thời gian 3 năm.

Tuy cùng có trình độ, cùng có đủ tiêu chí như nhau, nhưng đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã thì về làm Phó Chủ tịch xã, còn đội viên Đề án 500 lại chỉ làm công chức xã.

Lý giải về băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh dù ở vị trí, công việc nào cũng đều đòi hỏi yêu cầu cao đối với mỗi người, các trí thức trẻ phải vươn lên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Dù là vị trí cán bộ hay công chức chuyên môn, đội viên làm tốt đều có cơ hội để phát triển. Đề án 500 là Đề án cho phép tuyển chọn trí thức trẻ để tăng cường thêm công chức chuyên môn của xã, là Đề án có tính chất hỗ trợ các xã, qua đó tạo điều kiện cho lớp trẻ rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, tạo nguồn cán bộ. Số lượng này chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực có trình độ về làm công việc của công chức xã. Về lâu dài, các tỉnh, huyện, xã phải tự thông qua nhu cầu để tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, chủ động tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều bạn trẻ đã gửi câu hỏi về quá trình tuyển dụng cũng như những nỗi e ngại về sự thiếu công bằng trong thi tuyển. Đồng chí Vũ Đăng Minh đã khẳng định sẽ rất khó xảy ra tiêu cực bởi quy trình tuyển chọn từ tiếp nhận, tổng hợp, phân loại hồ sơ đến thi phỏng vấn… đều sẽ được triển khai theo quy trình thống nhất giữa tất cả các địa phương.

Mỗi địa phương đều thành lập hội đồng tuyển chọn riêng nhưng Bộ Nội vụ sẽ thành lập đoàn giám sát, mỗi bàn chấm thi phỏng vấn đều có cán bộ của Bộ Nội vụ giám sát. Kết quả tuyển chọn của các tỉnh cũng phải được Bộ thẩm định lại, sau khi thống nhất, Bộ Nội vụ gửi danh sách trúng tuyển để các tỉnh phê duyệt công bố. Ngay cả khi đã trúng tuyển, trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng 3 tháng cho các đội viên trước khi bố trí về làm việc tại xã, đề án sẽ vẫn tiếp tục khâu lựa chọn, sàng lọc để đảm bảo chất lượng đầu vào.

Đối với vấn đề bố trí việc làm sau khi đề án kết thúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, các tình nguyện viên khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được xem xét bố trí chức danh lãnh đạo quản lý nếu phù hợp với quy hoạch hoặc xét thành công chức xã theo nhu cầu địa phương.

Mỗi thí sinh đều phải học những kỹ năng nhất định

Mang trong mình những nhiệt huyết, ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ, rất nhiều bạn trẻ đã nộp hồ sơ để ứng tuyển vào đề án thí điểm tuyển dụng 500 cán bộ xã. Các địa phương đều nhận được số lượng hồ sơ vượt quá số lượng chỉ tiêu tuyển dụng. Đến từ những vùng miền khác nhau, với những chuyên ngành khác nhau, nhưng các bạn trẻ đều có chung một mong muốn đem tri thức của mình giúp đỡ bà con ở những xã còn khó khăn. Không chỉ có những bạn trẻ mong muốn được trở về quê hương làm việc, còn có những người sẵn sàng chấp nhận xa rời quê hương đến những vùng cao, miền núi giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bạn Nguyễn Văn Dũng, tốt nghiệp Đại học Thủy lợi, đã nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí cán bộ địa chính-xây dựng tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình tâm  sự: “Trong quá trình làm việc tại vùng cao, chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con khiến mình càng khát khao giúp đỡ được bà con nhiều hơn. Mình hiểu hơn hết, để vượt được những khó khăn đó phải có một tình yêu thật sự với bà con vùng cao. Mình cũng đã từng nghĩ đến rằng nếu được trúng tuyển, trong suốt 5 năm làm việc mình có thể có những cơ hội tốt hơn, sẽ nhớ những bữa cơm đầy đủ với gia đình nhưng mình sẽ hy sinh những bữa cơm đầy đủ đó cho những bữa cơm no của đồng bào vùng cao.

Bạn Nguyễn Thị Hường, tốt nghiệp chuyên ngành Luật, Đại học Công đoàn, đã ứng tuyển vào vị trí cán bộ tư pháp của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Theo bạn, nhu cầu hiểu biết về luật pháp của người dân ở đây rất lớn nhưng họ chưa có người hỗ trợ. Bạn hy vọng rằng mình sẽ được trở về địa phương làm việc để cống hiến cho quê hương.

Tại buổi tọa đàm, những phó chủ tịch xã - đội viên của Dự án 600 đã có những chia sẻ kinh nghiệm với các bạn ứng sinh của Đề án 500. Bạn Nguyễn Văn Điều (phó chủ tịch xã Na Húng – Bắc Hà – Lào Cai), khi làm việc tại địa phương, các bạn trẻ cần phải học được kỹ năng lập kế hoạch, biết làm việc gì trước, việc gì sau. Phải tiếp cận với người dân và trải nghiệm thực tế ở địa phương để có thể tham mưu đúng và trúng cho cấp ủy và chính quyền địa phương. Như ở xã Na Húng, bạn đã tham mưu để phát triển nguồn dược liệu và các loại cây ăn quả ôn đới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo bạn Nguyễn Anh Khoa (Phó Chủ tịch xã Ba Điền - Ba Tơ – Quảng Ngãi), cần phải tiếp cận thực tế và vận dụng những tri thức khoa học để cải thiện đời sống của người dân ở địa phương.

Chắc chắn, Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 sẽ là những cơ hội cọ sát, trải nghiệm thực tế thiết thực để trí thức trẻ Việt Nam phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho địa phương. 

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất