Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Ba, 2/9/2014 21:30'(GMT+7)

6-9: Diễn ra chương trình Vầng trăng cổ tích lần thứ 7

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban tổ chức Chương trình "Vầng trăng cổ tích" trao tiền tài trợ mổ tim nhân đạo 50 triệu đồng cho em Vi Bảo Long ở Chi Lăng, Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban tổ chức Chương trình "Vầng trăng cổ tích" trao tiền tài trợ mổ tim nhân đạo 50 triệu đồng cho em Vi Bảo Long ở Chi Lăng, Lạng Sơn.

Nhân dịp Tết Trung Thu năm 2014, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao cho Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhà báo và Công Luận, Hội Chữ thập đỏ TP. Hà Nội, Công ty Truyền thông Thủ Đô, Công ty Truyền thông Thiên Sơn tổ chức Chương trình Nghệ thuật “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào lúc 20 giờ 30 ngày 06/9/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là chương trình được tổ chức thường niên để hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo cho trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh; tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em bị bệnh hiểm nghèo và nạn nhân chất độc da cam; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng quà cho trẻ em nghèo và và vinh danh các tập thể, cá nhân giàu lòng nhân ái đã giúp đỡ trẻ em nghèo trong những năm qua.

Với sự tham gia biểu diễn của NSUT Hồng Kỳ, ca sĩ Thành Lê, Thiếu nhi TTVH Ba Đình, dẫn chương trình Á hậu Thụy Vân - Lê Anh, chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 được kết cấu thành 2 phần: Những mảnh đời bất hạnh và Vầng trăng cổ tích.

Trong phần một của chương trình Những mảnh đời bất hạnh, thông qua phóng sự “Phận em nghèo như lá” khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến những mảnh đời bất hạnh rất đáng thương tâm. Đó là em Hoàng Văn Lá là con của ông Hoàng Văn San ở xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nhìn ngôi nhà cấp 4 do vợ chồng ông San tự xây dựng cách đây gần 10 năm chẳng có tài sản gì đáng giá cũng đủ biết gia đình này đặc biệt khó khăn. Ông San bị viêm phổi mãn tính cách đây 4 năm, sức khỏe yếu chẳng làm được việc gì. Vợ ông San là bà Vương Thị Thu đã qua đời cuối năm 2013 vì ung thư vòm họng. Vợ chồng ông San sinh được 4 người con thì đứa con đầu và đứa con thứ 3 đều đã mất vì bệnh ung thư máu. Đứa con thứ 2 là Hoàng Văn Lá bị bệnh tim bẩm sinh, đứa con thứ 4 là Hoàng Văn Đại bị bệnh u xương di căn nhưng nhà nghèo không có tiền chữa bệnh.

Do đau ốm triền miên không làm được việc gì nên có mấy sào ruộng trước nhà ông San phải nhờ anh trai là Hoàng Văn Điềm cày cấy giúp. Thương hoàn cảnh của em, vợ chồng ông Điềm gắng làm thêm mấy sào ruộng để giúp ông San có cái ăn cái mặc. Tuy bị bệnh tim bẩm sinh hành hạ, nhưng em Hoàng Văn Lá đã trở thành trụ cột gia đình ở tuổi 13 chưa kịp lớn.Không còn nhớ là tự bao giờ, bữa cơm của gia đình ông San không biết đến thịt cá là gì, đến rau xanh cũng hiếm hoi xa lạ. Ngày lại ngày, bên nồi cơm chẳng mấy khi đầy, thức ăn của bố con ông San chẳng có gì ngoài đĩa súp và muối trắng. Thương thay một kiếp người ở tận cùng đau khổ. Khi phóng sự này được phát đi, cũng là lúc chúng tôi nhận được tin ông Hoàng Văn San vừa mới qua đời. Vậy là từ nay em Hoàng Văn Lá và em Hoàng Văn Đại bỗng trở thành hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ. Các em đang cần lắm sự yêu thương đùm bọc của cộng đồng.

Ban tổ chức chương trình đã đến thăm em Nguyễn Mạnh Đức, sinh năm 2000 và em Nguyễn Hồng Phúc, sinh năm 2007 ở phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái khi chị Nguyễn Thị Thanh đang làm vệ sinh cá nhân cho các con. Nhìn hai đứa trẻ chân tay co quắp, lưng vẹo, ngực dô nằm bất động trên giường lòng chúng tôi chùng xuống. Chị Thanh cho biết, sau khi sinh ra, hai con chị đều bị bệnh nhược cơ bẩm sinh, một căn bệnh đến nay y học chưa chữa được. Đã 14 năm nay, chị Thanh phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc các con và phụng dưỡng mẹ chồng, kinh tế gia đình mình chồng chị lo toan xoay xở.

Là thợ xây tự do việc làm lúc có lúc không, nên thu nhập của anh Tiến cũng bấp bênh không ổn định. Để có tiền mua mớ rau, mớ tép cho bữa ăn của gia đình, sau một ngày làm thợ xây vất vả, đêm đêm anh Tiến lại ra hồ công viên thành phố bắt cua để hôm sau đem ra chợ bán.

Trong phần 2 của chương trình Vầng trăng cổ tích, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được đồng hành cùng Ban tổ chức đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở nhiều địa phương đang rất cần được xã hội quan tâm giúp đỡ.

Vượt chặng đường hơn 300 cây số, Ban tổ chức Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 đã đến thăm và tặng quà Trung thu cho gần 100 trẻ em mồ côi và người già cô đơn không nơi nương tựa của Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai. Trong chuyến đi này, ngoài quà tặng là bánh kẹo, quần áo, thuốc bổ, thuốc chữa bệnh…Ban tổ chức còn tặng hai chiếc xe đạp điện cho em Chấu Seo Minh mồ côi cha mẹ, dân tộc Mông, quê ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai và em Giàng Seo Hòa mồ côi cha mẹ, dân tộc Mông, quê ở xã Nùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, Lào Cai, hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm với tổng số quà trị giá gần 150 triệu đồng.

Lào Cai hiện đang có gần 1000 trẻ em mồ côi (trong đó có hơn 400 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ); hơn 500 trẻ em khuyết tật chưa được phẫu thuật chỉnh hình, gần 100 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh…đang rất cần được xã hội quan tâm giúp đỡ. Chuyến đi này của Ban tổ chức là sự kết nối những tấm lòng nhân ái giữa các nhà tài trợ với trẻ em nghèo tỉnh Lào Cai mang nghĩa cử cao đẹp “Bầu ơi thương lấy bí cùng” thật có nhiều ý nghĩa.

Trung tâm công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái hiện đang nuôi dưỡng71 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật nặng và 10 người già cô đơn không nơi nương tựa. Các đối tượng vào đây chủ yếu là dân tộc thiểu số phong tục tập quán lạc hậu, nhiều người chưa biết tiếng phổ thông và ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nên việc quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe gặp rất nhiều khó khăn.

Là đơn vị sự nghiệp đặc thù làm nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng yếu thế, trong đó có đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao như trẻ em mồ côi là con của bệnh nhân HIV/AISD và người mắc bệnh lao…Nhưng hiện tại chế độ đãi ngộ vẫn còn nhiều bất cập như cán bộ y tế ở đây chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, cán bộ trực ca chưa có phụ cấp làm đêm...

Vượt qua mọi khó khăn về vật chất, các cán bộ nhân viên của Trung tâm đã động viên nhau vượt qua hoàn cảnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những món quà của Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 tặng cho Trung tâm trị giá gần 70 triệu đồng nhân dịp Tết Trung thu là động lực tinh thần góp phần giải quyết khó khăn về vật chất, đồng thời là nguồn cổ vũ động viên cán bộ, nhân viên và các đối tượng ở đây yên tâm công tác.

Ban tổ chức chương trình cũng đã đến thăm và tặng quà Trung thu cho Trung tâm nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ Xã hội Bắc Ninh khi các thầy cô giáo ở đây đang chuẩn bị khai giảng năm học mới cho 170 học sinh là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: câm điếc, thiểu năng trí tuệ, đa tật, mồ côi cha mẹ…

Dạy học cho những người bình thường đã khó, dạy học cho trẻ câm điếc, thiểu năng trí tuệ, đa tật lại càng khó khăn hơn. Nhưng với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tất cả vì “Tình thương lương tâm và trách nhiệm”, các thầy cô giáo và cán bộ nhân viên của Trung tâm đã chủ động sáng tạo, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu cảm ơn Ban tổ chức Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7. Bằng ngôn ngữ cử chỉ của người điếc Việt Nam, em Chử Thị Trang Nhung đã nói: “Cháu rất vinh dự được thay mặt cho các bạn học sinh của Trung tâm gửi lời cảm ơn tới Chương trình “Vầng trăng cổ tích” đã đến tặng quà Trung thu cho các cháu. Các cháu hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ công lao dạy dỗ của thầy cô và sự giúp đỡ của Chương trình “Vầng trăng cổ tích””.

Những món quà của Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 tặng cho Làng Hữu Nghị nhân dịp Tết Trung thu trị giá hơn 60 triệu đồng là sự đồng cảm sẻ chia của các nhà tài trợ góp phần “xoa dịu nỗi đau da cam”. Đó là tiếng tơ lòng trên con đường thực hành bồ tát “uống nước nhớ nguồn” và tri ân quá khứ. Nhạc sĩ Hà Chương đã viết: “Ngày em sinh ra đôi mắt không còn bình minh và đôi chân, đôi tay không lành. Ngày em chào đời, ngày mẹ khóc… thương những đứa con ngây thơ vô tội như những mầm non không sao đâm chồi. Ôi chất độc màu da cam, đã cướp đi mùa xuân ngập nắng, để lại cho em hình hài dị dạng và những nỗi đau”.

Chiến tranh lùi vào quá khứ đã gần 40 năm, nhưng trên mảnh đất này vết thương chiến tranh còn hiện hữu trên cơ thể nạn nhân chất độc da cam ở Làng hữu nghị Việt Nam. Những con người này hầu hết được sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng. Và, cũng bằng ấy thời gian, họ đã bước vào đời bằng hành trang của một nạn nhân chất độc da cam bất chợt khọc, chợt cười. Họ là người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Theo số liệu của ngành chức năng, mỗi năm ở nước ta có khoảng 16.000 trẻ em sau khi ra đời đã bị tim bẩm sinh, trong đó mới có khoảng  1/2 trẻ em bị tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật. Đối với trẻ em bị tim bẩm sinh, thì tính mạng của các em luôn bị căn bệnh này rình rập cướp đi sự sống bất cứ lúc nào nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Em Vi Bảo Long, sinh năm 2011 con ông Vi Hồng Phúc và bà Đinh Thị Thảo ở Thượng Cường, Chi Lăng, Lạng Sơn bị tim bẩm sinh hẹp ống động mạch đã thông tim tại Bệnh viện Tim Hà Nội năm 2013 nhưng vì gia cảnh quá nghèo không có tiền phẫu thuật, nên vợ chồng ông Phúc đành cam chịu để con sống chung với căn bệnh tim bẩm sinh. Được Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 tài trợ kinh phí, vừa qua, em Vi Bảo Long đã được phẫu thuật thành công tim bẩm sinh tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Giờ đây, em Vi Bảo Long đang cần có kinh phí phẫu thuật thủy tinh thể, đục bao sau để cứu lấy con mắt còn lại khi thị lực của em đã ở mức “báo động đỏ”.

Đồng hành cùng với chương trình,  không thể không nhắc đến con số 100 trẻ em nghèo và số tiền 5 tỷ đồng phẫu thuật tim bẩm sinh của Chương trình “Vầng trăng cổ tích” 7 năm qua là những con số biết nói thật đáng trân trọng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

7 năm qua, Chương trình “Vầng trăng cổ tích”, đã hỗ trợ kinh phí mổ tim bẩm sinh cho hơn 100 trẻ em nghèo; xây dựng 30 nhà tình thương cho trẻ mồ côi, tặng hơn 800 cuốn sổ tiết kiệm, tặng hơn 800 suất học bổng; tặng hơn 6000 suất quà với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng cho trẻ em nghèo trong cả nước. Thông qua Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7, Ban tổ chức và các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ kinh phí mổ tim nhân đạo cho 10 trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh, tặng 100 sổ tiết kiệm, tặng 50 suất học bổng, tặng 1000 suất quà… trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Giờ đây, bao trái tim non tật bệnh đã hồng lên sức sống, bao nụ cười đã nở trên gương mặt trẻ thơ, bao ánh mắt bị mờ lại sáng lên niềm hy vọng, bao đôi chân run rẩy đã tự tin bước về phía trước… bất hạnh vơi đi, niềm vui gần lại. Nhưng vẫn còn đó, nhiều mảnh đời bất hạnh đang rất cần, rất cần vòng tay nhân ái của chúng ta. Hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất, để ở đâu trẻ em cũng có niềm vui và tràn ngập tiếng cười.

Chương trình “Vầng trăng cổ tích” lần thứ 7 do Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh tài trợ Kim Cương, Công ty TNHH Phước Minh và Công ty TNHH GEROC đồng tài trợ chính.
TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất