Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 1/7/2021 11:35'(GMT+7)

6 chính sách mới về BHYT có hiệu lực từ ngày 01/7

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một là, thay đổi khái niệm hộ gia đình tham gia BHYT

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Luật này sửa đổi, bổ sung nội dung một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật BHYT. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 38 Luật Cư trú sửa đổi Khoản 7 Điều 2 Luật BHYT như sau: Hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.
Trong khi đó, Luật BHYT hiện nay đang quy định: Hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú.

Như vậy, theo quy định mới, những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình phải là những người: Cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì cùng Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú như trước đây.

Sở dĩ có sự điều chỉnh như trên là do Luật Cư trú năm 2020 quy định, từ ngày 01/01/2023, chính thức bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, thay bằng việc quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, từ ngày 01/7/2021, cơ quan đăng ký cư trú cũng sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú mà thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Hai là, bổ sung đối tượng được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT 

Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, so với quy định hiện nay tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, Điều 5 Nghị định số 20 đã bổ sung thêm đối tượng: “Người thuộc diện hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (người con này đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội)” được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Theo quy định trước đây, nhóm đối tượng này chỉ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT tối thiểu 70%.

Ba là, thay đổi trong danh sách người có công và thân nhân được hưởng chính sách BHYT

Kể từ ngày 01/7/2021, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 chính thức có hiệu lực. Theo Pháp lệnh mới thì “Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống” sẽ được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT, trước đây không có quy định này.

Bốn là, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất

Thanh toán theo định suất là phương thức thanh toán giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) BHYT theo mức phí được xác định trước theo phạm vi dịch vụ cho một đầu thẻ đăng ký tại cơ sở cung ứng dịch vụ y tế trong một khoảng thời gian nhất định. 

Ngày 29/4/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BYT hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT theo định suất. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Thông tư xác định: Quỹ định suất là số tiền được xác định trước, giao cho cơ sở KCB BHYT để KCB ngoại trú cho người bệnh có thẻ BHYT trong phạm vi định suất, trong khoảng thời gian nhất định.

Tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở xuống sẽ áp dụng phương thức thanh toán theo định suất đối với toàn bộ chi phí KCB ngoại trú trong phạm vi hưởng của người tham gia BHYT. Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương sẽ áp dụng tại các cơ sở có ký hợp đồng KCB BHYT ban đầu và chỉ áp dụng thanh toán theo định suất đối với phần chi phí KCB ngoại trú của người đăng ký KCB ban đầu phát sinh tại chính cơ sở KCB ban đầu đó. Tuy nhiên, phạm vi định suất không bao gồm các chi phí KCB của đối tượng, bệnh, nhóm bệnh sau đây:

1. Chi phí của các đối tượng có mã thẻ quân nhân (QN), cơ yếu (CY), công an (CA).

2. Chi phí vận chuyển người bệnh có thẻ BHYT.

3. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ hoặc dịch vụ kỹ thuật lọc màng bụng hoặc dịch lọc màng bụng.

4. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc chống ung thư hoặc dịch vụ can thiệp điều trị bệnh ung thư đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh ung thư gồm các mã chẩn đoán từ C00 đến 297 và các mã chẩn đoán từ D00 đến D09 thuộc bộ mã Phân loại bệnh quốc tế lần thứ X (ICD-10).

5. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc điều trị Hemophilia hoặc máu hoặc chế phẩm của máu đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh Hemophilia gồm các mã D60, D67, D68 thuộc bộ mã ICD-10.

6. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc chống thải ghép đối với người bệnh ghép tạng.

7. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc điều trị viêm gan C của người bệnh bị bệnh viên gan C.

8. Toàn bộ chi phí của lần KCB BHYT có sử dụng thuốc kháng HIV hoặc dịch vụ xét nghiệm tải lượng HIV của người bệnh có thẻ BHYT được chẩn đoán bệnh HIV.

Năm là, công khai giá thu dịch vụ KCB BHYT đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 05/2021/TT-BYT ngày 5/5/2021 về quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở KCB bệnh công lập.  Trong đó có quy định, cơ sở KCB phải thông tin kịp thời và công khai với người bệnh và người đại diện hợp pháp của người bệnh giá thu dịch vụ KCB bao gồm: Giá thu dịch vụ KCB đối với người bệnh có thẻ BHYT, giá thu dịch vụ KCB không theo yêu cầu đối với người bệnh không có thẻ BHYT; giá dịch vụ KCB theo yêu cầu của người bệnh; giá các loại dịch vụ khác tại đơn vị. 

Ngoài ra còn quy định cơ sở y tế phải công khai các chế độ miễn, giảm giá dịch vụ KCB và thực hiện chính sách BHYT, thanh toán giá và chi phí KCB BHYT theo quy định của pháp luật. 

Có 3 hình thức công khai thông tin như sau:

1. Niêm yết công khai, chạy thông tin trên băng thông tin điện tử:

- Các văn bản, bản vẽ, sơ đồ chỉ dẫn, dấu chỉ đường đến các khu vực, khoa, phòng và đơn vị trực thuộc trong đơn vị; các bản nội quy, quy định, giá các loại dịch vụ KCB và giá các loại dịch vụ phục vụ người bệnh tại các địa điểm thuận lợi có nhiều người bệnh qua lại.

- Việc niêm yết công khai phải thường xuyên, liên tục và kịp thời.

2. Tổ chức thông tin, truyền thông, tư vấn về chế độ chính sách, những vấn đề có liên quan đến việc KCB kể từ khi người bệnh mới đến phòng khám bệnh, phòng cấp cứu, buồng bệnh.

3. Thông báo trực tiếp với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh; tổ chức sinh hoạt hội đồng người bệnh của khoa, phòng và đơn vị.

Sáu là, phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV được hưởng chế độ BHYT

Đây là nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.

Theo Luật này, phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ BHYT, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau:

- Quỹ BHYT chi trả cho người có thẻ BHYT theo mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT.

- Ngân sách Nhà nước chi trả phần chi phí quỹ BHYT không chi trả nêu trên và chi trả cho người không có thẻ BHYT theo mức giá dịch vụ KCB BHYT.

Tuy nhiên, từ trước ngày 01/7/2021, quỹ BHYT đã thực hiện thanh toán chi phí xét nghiệm HIV trong KCB đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT và KCB liên quan đến HIV/AIDS. Quy định này đã được luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người./.

Nguyễn Tùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất