Chủ Nhật, 28/4/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Tư, 2/6/2021 14:7'(GMT+7)

BHXH Hà Tĩnh: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động góp phần nâng cao vị thế tỉnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT

4 tháng đầu năm 2021, tổng thu BHXH, BHYT, BHTN toàn tỉnh là 827,3 tỷ đồng, đạt 28,6% kế hoạch được giao; dư nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN là 187 tỷ đồng, chiếm 6,67% số phải thực hiện; số người tham gia BHXH bắt buộc là 86,2 nghìn người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 29,5 nghìn người, tỷ lệ bao phủ BHXH toàn tỉnh đạt 18%; BHYT học sinh đạt tỷ lệ bao phủ 97%.

Số người tham gia BHYT trên 1,12 triệu người tương ứng bao phủ 93% dân số (nếu không tính 74.272 lao động đi nước ngoài vào số người có thẻ BHYT thì tỷ lệ bao phủ đạt 87,4% dân số).

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tổ chức ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với 32 cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, y tế cơ quan. 4 tháng đầu năm, chi khám chữa bệnh BHYT cho 585.741 lượt người với số tiền 372 tỷ đồng.

Chi trả các chế độ BHXH, BHTN là 1.245 tỷ đồng. Trong đó chi cho người hưởng lương, trợ cấp BHXH hàng tháng là 1.088 tỷ đồng; giải quyết cho 7.202 lượt người hưởng chế độ ốm, đau, thai sản với số tiền 40 tỷ đồng; chi trả cho 5.844 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 22,6 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 219 lượt người với số tiền 219 triệu đồng.

Nhân viên Bưu điện huyện Đức Thọ thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4,5/2020 tại nhà cho các đối tượng

Nhân viên Bưu điện huyện Đức Thọ thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4,5/2020 tại nhà cho các đối tượng

Tính đến 30/4, số người hưởng trợ cấp 1 lần là 2.015 người, số tiền chi trả trên 60,51 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2020 là 39 người với 4,64 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu ghi nhận sự cố gắng của ban chỉ đạo, địa phương, các ngành liên quan trong thực hiện BHXH, BHYT; góp phần tích cực trong việc nâng cao vị thế Hà Tĩnh trong bảng xếp hạng PAPI của cả nước.

Kỳ tích từ sự tận tâm của từng cán bộ


Năm 2020 cũng là năm đánh dấu “kỳ tích” phát triển số lượng nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng. Để đạt được “kỳ tích” là nhờ toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã thấm nhuần Nghị quyết của Trung ương và các chính sách khác.

Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khoá XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” được ban hành ngày 23/5/2018 nhằm thúc đẩy hơn nữa các giải pháp thực hiện chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Trong đó, mục tiêu cụ thể về BHXH là từng bước hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi: 35% đến năm 2021; 45% đến năm 2025; 60% đến năm 2030; số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu, với tỷ lệ đề ra là: 45% đến năm 2021; 55% đến năm 2025 và 60% đến năm 2030.

Các cán bộ, chuyên viên BHXH và nhân viên đại lý cũng liên tục sáng tạo hình thức tuyên truyền như: Ra chợ, ra đồng tuyên truyền, đến từng ngõ, gõ từng nhà, đối thoại trực tiếp… Nhờ đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức đã nâng cao nhận thức, tham gia BHXH tự nguyện ngày càng nhiều. Nếu như năm 2018 mới chỉ đạt 6.985 người thì năm 2020 đã phát triển lên 27.775 người (chiếm 4,2 % lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa mục tiêu chung của cả nước).

Nắm bắt tinh thần NQ/28, tại Hà Tĩnh, ngoài các mức hỗ trợ của Nhà nước theo từng đối tượng, từ 1/1/2020, theo Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hỗ trợ 20% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn.

Chị Phan Thị Nga ở thôn 3 xã Sơn Bình (Hương Sơn) cho biết: “Năm 2020, khi được nhân viên đại lý BHXH của Hội Nông dân xã tuyên truyền về BHXH, về chính sách hỗ trợ mức đóng của Nhà nước và tỉnh, tôi đã tham gia và sau đó lần lượt đăng ký cho chồng và con tôi cùng tham gia. 2 vợ chồng tôi là nông dân, con tôi là lao động tự do nên đây sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp chúng tôi yên tâm hơn khi về già”.

NQ 28 với những cải cách cụ thể đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của người dân đối với việc tham gia hệ thống an sinh xã hội, từ đó bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều nội dung cải cách trong NQ 28 chưa được triển khai, đã ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển bao phủ BHXH ở các địa phương.

“Sau kỳ tích vượt 102% kế hoạch phát triển BHXH tự nguyện năm 2020, năm 2021, BHXH Hà Tĩnh được giao phát triển thêm 9720 đối tượng. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, chúng tôi chỉ mới phát triển được hơn 2000 đối tượng. Ngoài nguyên nhân về ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do một số nội dung của NQ 28 chưa được triển khai khiến người dân dè dặt. Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất là ngoài 2 chế độ hưởng là hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện chưa được hưởng các chế độ ngắn như: Thai sản, ốm đau, tai nạn lao động; việc sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm chưa được triển khai…” – đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và nhận định những khó khăn trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị BHXH tỉnh tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT toàn dân, rà soát quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2021-2025, BHXH giai đoạn 2022-2025 cho các địa phương. Đồng thời, giao BHXH cấp huyện phối hợp với ngành giáo dục, UBND cấp huyện triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ BHYT cho học sinh, sinh viên.

Sở LĐ-TB&XH tham mưu giải pháp để thực hiện BHXH bắt buộc cho số lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài; rà soát, thẩm định, phê duyệt hộ nghèo, cận nghèo… để kịp thời cấp thẻ BHYT cho các đối tượng. Các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp tuyên truyền, nhân rộng các mô hình dân vận khéo, vận động người dân, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia BHXH, BHYT.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất