Cụ thể, từ ngày 16/12/2016 đến 15/6/2017, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người.
So với 6 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 636 vụ (giảm 6,22%), số người chết giảm 229 người (giảm 5,25%), số người bị thương giảm 1.004 người (giảm 11,23%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 9.457 vụ TNGT, làm chết 4.031 người, bị thương 7.890 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 615 vụ, giảm 225 người chết, giảm 1.018 người bị thương.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay nguyên nhân TNGT đường bộ chủ yếu là do đi không đúng phần đường làn đường (24,91%), vi phạm tốc độ quy định (10,2%), vượt sai quy định (6,7%), quy trình, thao tác lái xe kém (7,7%), sử dụng rượu bia (1,68%)... Phương tiện gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô, xe máy (65%), ô tô (30%).
Cũng trong 6 tháng qua, TNGT đường sắt xảy ra 76 vụ, làm chết 65 người, bị thương 30 người. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 13 vụ, giảm 6 người chết, tăng 4 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (ô tô, xe máy...), người đi bộ qua đường dân sinh không chú ý quan sát, không chấp hành báo hiệu giao thông đường sắt khi có tàu hỏa chạy qua.
Đường thuỷ nội địa xảy ra 50 vụ TNGT, làm chết 26 người, bị thương 14 người. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 10 vụ, giảm 9 người chết, tăng 9 người bị thương. Nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt, chiếm 70,83%, còn lại do đâm va chướng ngại vật, quá tải và thiết bị không bảo đảm an toàn.
TNGT hàng hải xảy ra 10 vụ, làm chết 12 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm 2016, tăng 2 vụ, tăng 11 người bị thương và tăng 1 người bị thương.
Tình hình TNGT theo địa phương trong 6 tháng đầu năm 2017 có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 16 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Tây Ninh, Bắc Kạn, Đà Nẵng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Hải Dương, Kon Tum, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Đặc biệt, Cà Mau, Cao Bằng, Điện Biên giảm trên 40% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 22 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 10 tỉnh tăng trên 15% là: Hà Nam, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu, trong đó, có 04 tỉnh có số người chết tăng trên 30% là: An Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Lai Châu.
Đặt biệt xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 81 người chết, bị thương 110 người, gây thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó, điển hình là 02 vụ TNGT đường sắt tại khu gian Lăng Cô – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế) làm 03 người chết, 02 người bị thương và tại Bình Định làm 04 người chết, 02 người bị thương; và 02 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô chở khách hợp đồng: tại Quảng Ninh (30/1) làm chết 2 người, bị thương 27 người và tại Lào Cai (3/3/2017) làm chết 1 người, bị thương 22 người; 03 vụ TNGT đường thuỷ làm chết 9 người; 01 vụ TNGT hàng hải làm chết 09 người; 01 vụ giữa 02 xe mô tô, xe máy (ngày 30/4) làm 04 người chết, 01 người bị thương; 03 vụ TNGT giữa xe khách và xe tải (2 vụ tại Gia Lai làm 16 người chết, 60 người bị thương, 1 vụ tại Hà Nam làm chết 3 người); ngày 30/6 xảy ra vụ TNGT do 02 xe khách đối đầu làm 04 người chết, 10 người bị thương.
Theo báo cáo sơ bộ của Công an các địa phương, nguyên nhân ban đầu dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay: Về TNGT đường bộ, đa phần các vụ tai nạn đều liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải mà đặc biệt là xe ô tô tải, một phần liên quan đến xe máy; các vụ tai nạn giao thông phần lớn đều do lái xe vi phạm quy định TTATGT như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém; các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc, nơi có địa hình hiểm trở, quanh co, tầm nhìn hạn chế và trên đường trong khu đô thị; phần lớn các nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến xe máy và xe kinh doanh vận tải, nhiều nạn nhân có tuổi đời còn trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn.
Về TNGT đường sắt, do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh; hiện vẫn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới TNGT đường sắt. Về TNGT đường thuỷ nội địa, do việc sử dụng phương tiện gia dụng không bảo đảm chất lượng, không có dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định./.
Huỳnh Giang - Ủy ban An toàn giao thông quốc gia