Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đến từ đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% lượng trái cây các loại... Trong tốp các địa phương có sản lượng nuôi, khai thác thủy hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu, tập trung hầu hết tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thủy sản quan trọng như gạo, thủy sản (tôm, cá tra...) và rau quả trái cây như sầu riêng, thanh long, mít, xoài, quýt... Các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của vùng bao gồm cả các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm như Trung Quốc, Philippines và Malaysia, Bờ Biển Ngà và các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Liên bang Nga và các thị trường khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á như Nam Phi, Algerie, Angola, các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CÓ KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TRÊN 1 TỶ USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của vùng Tây Nam bộ đạt 15,7 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2023, chiếm 6,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 của cả vùng đạt 7,59 tỉ USD, tăng 15,96% so với cùng kỳ 2023, chiếm 3,57% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại của vùng 7 tháng đầu năm 2024 đạt thặng dư 8,11 tỉ USD, tương đương với 3,56% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các địa phương có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD trong 7 tháng đầu năm 2024 là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Các địa phương còn lại đều có mức kim ngạch dưới 1 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của 12/13 tỉnh, thành phố đạt kết quả tăng trưởng dương so với cùng kỳ (trừ Cà Mau).
Đối với mặt hàng rau quả, việc nhiều loại trái cây đã được tiếp tục khơi thông, thâm nhập và mở rộng xuất khẩu vào nhiều thị trường truyền thống, “khó tính” như sầu riêng tươi và đông lạnh, dừa tươi vào Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Mỹ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand… đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Cá tra và tôm đã trở thành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao và là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho vùng. Tuy nhiên, các sản phẩm công nghiệp trong khu vực còn hạn chế chủ yếu trong một số ngành như may mặc, giầy dép. Các mặt hàng công nghiệp khác, công nghiệp chế biến trong khu vực còn ít chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương thì đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng, là vùng tập trung và có điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp, đóng góp lượng lớn hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia. Vùng ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như 2 thập niên trước vùng đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Trong đó, những nguyên nhân được chỉ ra như chúng ta chưa có chiến lược xuất khẩu bền vững cho từng thị trường. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa vững chắc, rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài. Lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa dựa trên giá trị. Xuất khẩu nông sản theo hình thức trao đổi thương mại biên giới (tiểu ngạch) vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản,... do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Chưa thực sự chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển chưa đồng đều, cũng như còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, chưa đáp ứng được nhu cầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy rất dễ xảy ra. Sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa vùng với các thị trường trong nước, giữa thị trường trong vùng với thị trường quốc tế, dẫn tới sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, khó thu hút các dự án đầu tư quy mô và dài hạn.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TIẾP CẬN VỐN, CÔNG NGHỆ MỚI, THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU HÀNG HOÁ TRONG VÙNG
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, mặc dù đứng trước nhiều thách thức, cũng như khó khăn, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL cũng có nhiều cơ hội để tận dụng, góp phần vào sự phát triển ổn định của kinh tế - xã hội khu vực. Đầu tiên phải kể đến những kết quả đạt được từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Đảng, Chính phủ trong thời gian qua, đó chính là các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ Công thương đã và đang đẩy mạnh việc đàm phán và ký kết các FTA, cam kết cũng như liên kết thương mại với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm lẫn thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết FTA để đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu. Thêm vào đó, theo một số báo cáo, lạm phát đang dần có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn, hàng tồn kho có xu hướng giảm và nhu cầu nhập khẩu ở một số thị trường lớn cũng có xu hướng tăng lên. Do đó, triển vọng thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sẽ được mở rộng; nhập khẩu được dự báo sẽ hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ đã cam kết đầu tư vào hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển và sản xuất hàng hóa, giúp doanh nghiệp tăng cường năng suất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và công nghệ mới, cung cấp các chính sách khuyến khích và ổn định để thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thực hiện định hướng tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030 về đảm bảo phát triển xuất khẩu bền vững và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành của vùng cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển mạng lưới giao thông; triển khai nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển sản xuất xuất khẩu bền vững. Cùng với đó, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư. Tăng cường xúc tiến thương mại trên nền tảng số giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác tốt các thông tin về cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hóa; phát triển các loại hình dịch vụ gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là dịch vụ logistics, đại lý hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, thương nhân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; đồng thời, khuyến khích phát triển một số loại dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
Triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Tăng cường công tác theo dõi tình hình tại các cửa khẩu, kịp thời thông báo, khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là hoa quả, nông sản để chủ động, nâng cao hiệu quả của công tác điều tiết hàng hóa và phương tiện. Tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong vùng, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa các thành viên trong vùng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, khắc phục khó khăn hạn chế, phát huy được các thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu. Xây dựng cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo giữa các tỉnh. Đồng thời, chia sẻ hình thành vùng nguyên liệu chính ở mỗi địa phương và liên kết, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm là thế mạnh của mỗi địa phương. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tập trung vào các mặt hàng cấm, hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
An Nhiên