Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng GDP của ngành 6 tháng đầu năm đã đạt trên 1%.
Ngày 29/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của toàn ngành và đưa ra các định hướng hoạt động trọng tâm trong các tháng cuối năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sang quý II, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Sáu tháng đầu năm, điểm đáng lưu ý còn là đã có 9 dự án chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động; cả nước có 58,2% số xã và 127 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đại diện Bộ NN&PTNT thừa nhận, 6 tháng qua hoạt động của ngành vẫn còn một số hạn chế. Đó là, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm.
Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ nông sản giai đoạn hậu dịch COVID-19 còn chậm do các nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại.
Ngoài ra, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm tiến độ. Tỉ lệ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của Bộ nhìn chung còn chậm, nhất là các dự án vốn trái phiếu Chính phủ, ODA.
Đáng chú ý, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành và chung tay vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, người dân nhưng việc tái đàn lợn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, tại khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.
Cả năm nay, tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt 2,5-3%; tổng giá trị xuất khẩu cả năm đạt 41 tỷ USD.
Tại hội nghị nhiều ý kiến phân tích, tình hình thời gian tới khá khó lường bởi diễn biến dịch COVID-19 vẫn tương đối phức tạp. Tại Trung Quốc dịch COVID-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bùng phát lần 2; ở châu Âu dịch vẫn diễn biến phức tạp…
Tuy nhiên theo đánh giá của Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn: “Nếu tình hình diễn biến thị trường tiến triển tốt, vẫn như thời điểm nửa cuối tháng 6 đến nay thì dự báo ngành nông nghiệp có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 41 tỷ USD cả năm. Ngược lại, nếu xảy ra tình trạng dịch COVID-19 bùng phát trở lại nghiêm trọng, các thị trường đóng cửa thì rất khó đoán định”.
Bộ NN&PTNT xác định, để đạt được các mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành đẩy mạnh là phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thông qua nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn....
Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm; hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà máy chế biến rau quả, dừa, nông, lâm sản quy mô lớn, công nghệ hiện đại khởi công và đi vào hoạt động ngay trong năm 2020; đẩy mạnh công suất các nhà máy chế biến hiện có để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.../.
Theo chinhphu.vn