Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 29/6/2020 8:28'(GMT+7)

Phát triển du lịch Đông Nam Bộ: Lấy người dân làm trung tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Chiều 28/6, tại tỉnh Tây Ninh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cùng lãnh đạo 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước, có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các tỉnh Đông Nam Bộ cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp.

Trước hết, cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch như thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch…

Do đó, cần phối hợp tổ chức nhiều hội nghị mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển thì sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn sẽ nâng chất lượng, hấp dẫn với du khách.

Kế tiếp là đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành. Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của từng địa phương, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng thực hành.

Việc đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.

Cùng với đó là liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể: mỗi địa phương trong vùng đều có đặc trưng riêng: Bà Rịa-Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo; Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao; Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá-mạo hiểm-trải nghiệm; Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen… đồng thời, cần khai thác hiệu quả sự đa dạng và khác biệt này trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực, thương hiệu chung cho vùng; cần phải thường xuyên đổi mới, hoàn thiện sản phẩm cũng như các yếu tố bổ trợ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của du lịch vùng.

Ngoài ra, phát triển du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và có trách nhiệm để phát triển bền vững. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phải gắn liền với việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng.

Phát triển du lịch thông minh cũng là một xu hướng phát triển bền vững, phải chú trọng sự đồng bộ của hạ tầng tích hợp dữ liệu với cấu trúc 3 bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là sự kiện liên tỉnh, thành phố về du lịch đầu tiên trong tình trạng bình thường mới sau COVID-19, và là thông điệp về sự liên kết trong phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung với trò nòng cốt của các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển hơn một bước như TPHCM. Đồng thời thể hiện tính chủ động, quyết tâm của TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ trong “cái khó  ló cái khôn”, trong sự khó khăn của du lịch hiện nay, tìm giải pháp để vượt qua.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ là ngành kinh tế, du lịch còn là kênh giao lưu giữa nhân dân trong nước, quốc tế, qua đó vừa phát huy, bảo tồn và làm mới các giá trị văn hoá. Du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn giúp xoá đói, giảm nghèo. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, du lịch còn mở ra chân trời mới cho người dân, từ các em bé, phụ nữ, thanh niên đến người cao tuổi có một kênh tiếp xúc với văn hoá, văn minh từ bên ngoài rất tốt.

Vì vậy, du lịch cần lấy người dân làm trung tâm, làm sao cho mọi người dân thấy rằng tham gia vào làm du lịch về lâu dài sẽ giúp giảm nghèo. Quan trọng hơn là chúng ta mang những giá trị của quê hương, dân tộc mình ra thế giới, và cũng có điều kiện được tiếp xúc, giao lưu với văn hoá, văn minh thế giới ngay tại nhà mình, quê hương mình.

Phó Thủ tướng cho rằng các nhà đầu tư lớn có vai trò quan trọng trong thành công của ngành du lịch những năm qua, không chỉ về mặt doanh thu mà cả các kinh nghiệm, giải pháp tốt để phát triển du lịch bền vững.

Nhắc lại câu nói “Triệu năm mới có 1 ngọn núi, Nghìn năm mới có một con sông, trăm năm mới có một cây to”, Phó Thủ tướng lưu ý làm du lịch phải khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển nhưng khi chưa đủ tiềm lực về kinh tế, đặc biệt là chưa đủ hiểu biết, công nghệ thì phải rất thận trọng.

Đối với những khu vực như miền Đông Nam Bộ còn nhiều nơi rất hoang sơ thì đây là cơ hội của các nhà đầu tư, DN có tâm, có tầm để làm sao phát triển được du lịch nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên, giữ được nét độc đáo của văn hoá địa phương mà không lạc hậu. Chừng nào chưa chắc chắn thì chúng ta chuẩn bị kỹ hơn, thật chắc chắn rồi mới làm.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng chia sẻ và cám ơn các DN du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, không có doanh thu nhưng vẫn đang tìm mọi cách duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, đặc biệt những hội gia đình, DN nhỏ làm du lịch. Các địa phương trong cả nước cần phải rất chú ý và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho những đối tượng này. Cùng với đó, các DN du lịch cũng cần xem xét lại các sản phẩm, chuỗi sản phẩm của mình bởi trong thách thức hiện nay cũng có cả thời cơ, cơ hội để chúng ta nhìn lại và làm mới mình.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành du lịch phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội.
Phó Thủ tướng mong rằng với sự hợp tác giữa các địa phương trong nước, giữa chính quyền với doanh nghiệp, và đặc biệt kêu gọi mọi người dân cùng tham gia, đồng thời trên bình diện quốc tế là giữa Việt Nam với các nước, nhất định du lịch Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn rất khó khăn hiện nay.

Theo Bản thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã được ký kết tại Hội nghị có 5 nội dung chính là: Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú gắn với thế mạnh về du lịch của từng tỉnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất