Sáng 7/7, tại Hà Nội, Tổng Cục Du lịch tổ chức Kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống ngành Du lịch.
Cách đây 54 năm, ngày 09 tháng 7 năm 1960, Ngành Du lịch được hình thành theo Nghị định số 26/CP của Hội đồng Chính phủ, đánh dấu sự khởi đầu của một ngành kinh tế được định hướng phát triển trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên của đất nước. Tháng 6 năm 1978, Tổng cục du lịch Việt Nam được thành lập và trực thuộc Hội đồng Chính phủ, mở ra một trang mới cho ngành Du lịch Việt Nam đẩy mạnh phát triển, tăng cường về quy mô và chất lượng.
Trải qua 54 năm qua hình thành và phát triển, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của một ngành kinh tế đóng góp có hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước. Hoạt động du lịch đã phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa truyền thống của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho toàn xã hội thông qua ''xuất khẩu tại chỗ'', thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác cùng phát triển và tạo thêm việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Năm 1990 Ngành Du lịch mới đón tiếp và phục vụ được 250 nghìn lượt khách quốc tế thì đến năm 2013, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng trên 30 lần, đạt 7,57 triệu lướt khách. Trong thời gian đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1 triệu lượt khách năm 1990 đến 35 triệu lượt khách năm 2013. Sự tăng trưởng không ngừng về lượng khách đã thúc đẩy nhanh chóng hiệu quả kinh tế đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Tổng thu từ khách du lịch năm 2013 đạt 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,7 tỷ,USD), chiếm khoảng 6% GDP và điều đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng về tổng thu từ du lịch tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng về số lượng khách. Sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, vận chuyển và nhiều khu du lịch, tổ hợp dịch vụ đã hình thành và khẳng định quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ của ngành du lịch trong những bước phát triển vượt bậc, thu hẹp khoảng cách với khu vực và quốc tế. Hiện nay, cả nước có 1.383 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép và hàng chục nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa. Về cơ sở lưu trú du lịch, hiện có 15.998 cơ sở lưu trú du lịch với trên 331.538 buồng. Lực lượng lao động ngành du lịch cũng không ngừng lớn mạnh, đến nay đã có trên 570.000 lao động trực tiếp trong tổng số 1,8 triệu lao động du lịch.
|
Khách quốc tế tại Hội An - Ảnh: Đào Loan
|
Hệ thống các khu, điểm du lịch hình thành trên phạm vi cả nước với nhiều điểm đến mới có quy mô, chất lượng quốc tế. Hiện đã có 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia được đưa vào quy hoạch của cả nước cùng với hệ thông hàng ngàn khu, điểm du lịch địa phương quan trọng khác. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch được thực hiện rộng khắp cả nước. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch các vùng du lịch và các tỉnh/thành đã tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch theo định hướng phát triển thống nhất. Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch, Chương trình Xúc tiến Du lịch Quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch được thực hiện đồng thời với các đề án chuyên đề phát triển dulịch đã góp phần thiết thực để hỗ trợ, kích thích phát triển du lịch tại các địa phương trên cả nước và quảng bá quốc tế.
Sau 54 năm hình thành và phát triển, Du lịch Việt Nam đã và tiếp tục khẳng đỉnh sự vươn lên mạnh mẽ, tạo dựng hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, chất lượng, nhiều hấp dẫn, mới lạ, thu hút được ngày càng nhiều khách dụ lịch trong nước và quốc tế. Nhân dịp Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của Ngành Du lịch, Tổng cục Du lịch đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề ''Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam''. Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh tăng trưởng du lịch nội địa tới vùng ven biển, hải đảo, núi cao có tiềm năng phát triển du lịch; khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương; quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách. Chương trình sẽ được triển khai trên cả nước để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng liên tục của ngành Du lịch, đóng góp ngày càng hiệu quả về kinh tế cho sự phát triển của đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường, xóa đói giảm nghèo.
Với bề dày lịch sử 54 năm hình thành và phát triển, đến nay Du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp có hiệu quả cho công cuộc dựng xây đất nước; đồng thời có vai trò tích cực trong xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước với nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn Ngành Du lịch vượt qua khó khăn, thử thách và sự ủng hộ của toàn dân, hỗ trợ của quốc tế, chắc chắn Ngành Du lịch sẽ đạt được những thành tựu mới, đánh dấu những thành công trên chặng đường phát triển của Ngành, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại, nhanh chóng hội nhập với quốc tế.
Cũng tại Lễ kỷ niệm Ngày truyền thống với trách nhiệm và thế hệ tương lai của Ngành Du lịch Việt Nam, 300 học sinh, sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng du lịch với trang phục, cờ phướn mang biểu tượng và khẩu hiệu ''Việt Nam - vẻ đẹp bất tận'' và ''Người Việt Nam di du lịch Việt Nam'' đã diễu hành trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội để tuyên truyền, cổ vũ người dân Việt Nam đi du lịch nội địa, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào đần tộc, đóng góp để dựng xây đất nước./.
Tin và ảnh Vân Khánh