(TG)-Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm sự kiện Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954-2014), việc xây dựng Tượng đài Tập kết được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.
Trải qua nhiều vòng thi, vượt qua 10 mẫu phác thảo Tượng đài Tập kết năm 1954, tác phẩm của tác giả Ngô Liêm - Phan Phúc được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao và thống nhất chọn đưa vào thi công tại bến bắc Cao Lãnh - địa điểm cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam xuống tàu, tập kết ra Bắc. Đây là công trình ghi dấu sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, văn hoá, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Từ vùng đất, nước ngập mệnh mông mùa lũ, đã có nhiều và rất nhiều những bà mẹ gạt nước mắt, kiên cường dâng hiến những người con thân yêu cho Tổ quốc. Từ ý tưởng đó và sự kiện cuộc tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam đi tập kết ra Bắc năm 1954, tác giả đã xây dựng bố cục mang tính biểu tượng đặc trưng của vùng quê Đồng Tháp Mười. Tổng thể bố cục là hình tượng đoá hoa Sen mạnh mẽ vươn lên, toả sáng, được kết tinh từ máu và nước mắt của biết bao anh hùng liệt sĩ, bao người con Việt Nam đã thầm lặng hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.
Tượng đài: là hình tượng người mẹ tiễn con đi tập kết - khoác lên vai người con thân yêu của mình chiếc khăn rằn, đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ, hàm ý gửi gắm tình cảm thiêng liêng của miền Nam đến Bác Hồ kính yêu, đến miền Bắc ruột thịt, cũng là lời nhắn nhủ những người “ra đi anh dũng”, không quên nhiệm vụ và luôn hướng về quê hương.
Bệ Tượng: Văn bia, nơi ghi dấu sự kiện Tập kết chuyển quân một thời sôi động, để các thế hệ tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng.
Hai mảng phù điêu: được thể hiện hai mặt trước và sau. Tổng thể phù điêu mang dáng dấp hình ảnh chiếc tàu đưa người đi tập kết. Đồng thời, gợi lên hình ảnh lá sen, đặc trưng vùng quê Đồng Tháp Mười. Phù điêu mô tả sinh hoạt của quân và dân trong những ngày tập kết tại Cao Lãnh, điểm nhấn là hình tượng bộ đội và nhân dân tôn tạo lại mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, xây Đài Chiến sĩ và nhiều hoạt động khác.
Bố cục Tượng đài thể hiện được ở cả mặt chính, mặt sau nhằm tạo cảnh quan thưởng lãm từ dưới sông và ngược lại. Tượng đài là dấu ấn mãi mãi nhắc nhở các thế hệ tiếp nối truyền thống, cùng soi sáng về tương lai tươi đẹp.
Dự kiến công trình được khởi công ngày 29 tháng 10 năm 2014, nhân Lễ kỷ niệm 60 năm sự kiện Tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh. Vị trí xây dựng công trình nằm trong khu du lịch sinh thái của Cty Cổ phần ĐTTM Du lịch Đồng Tháp Mười, kinh phí vận động từ các tỉnh có cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam tập kết và từ những cá nhân, tổ chức hảo tâm.
T.Thuỷ