Thứ Sáu, 20/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 9/5/2017 14:31'(GMT+7)

“70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Sáng 9/5, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “70 năm tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Hội thảo là dịp để các cấp, các ngành tìm hiểu, nhận thức rõ hơn hoàn cảnh ra đời, nội dung, giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giá trị to lớn đối với phong trào xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay; qua đó cảm nhận sâu sắc khát vọng cháy bỏng, trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp, sáng tạo, tầm nhìn vượt thời đại, kết đọng những giá trị nhân văn cao đẹp của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Cách đây 70 năm, tháng 3/1947, trong lúc cả nước vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết xong tác phẩm “Đời sống mới”. Tác phẩm được Ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947. Ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh số thứ tự từ I đến XIX, với dung lượng gần 5.800 từ, trình bày theo cách hỏi - đáp. Thông qua tác phẩm, những vấn đề cơ bản, từ mục đích, nội dung xây dựng đời sống mới với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể, cho đến phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới đã được đề cập vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” từ 70 năm trước về: xây dựng đời sống mới trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng, trường học, công sở, doanh nghiệp; thi đua xây dựng đời sống mới; nêu gương xây dựng đời sống mới... đã tạo động lực to lớn cho cuộc kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị thời sự, có ý nghĩa to lớn trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay; xây dựng đạo đức công chức hành chính, đội ngũ cán bộ, đảng viên, thanh niên… nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nói riêng. 

Hơn 50 tham luận gửi đến Hội thảo tập trung vào 4 nhóm nội dung: 1) “Đời sống mới”- tác phẩm kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; 2) “Đời sống mới”- tác phẩm góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến và kiến quôc; 3) “Đời sống mới”- tác phẩm đặt cơ sở cho việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; 4) “Đời sống mới”- tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn đối với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay. Cụ thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung cụ thể trong tác phẩm “Đời sống mới”; giá trị định hướng xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh giai đoạn hiện nay thông qua tác phẩm "Đời sống mới"; công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Bắc Ninh xây dựng nông thôn mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh; thành phố Cần Thơ xây dựng đời sống mới theo quan điểm Hồ Chí Minh… 

Bên cạnh việc phân tích những giá trị lý luận của tác phẩm “Đời sống mới”, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La, Cần Thơ... đã đạt nhiều kết quả tích cực; song cũng còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rõ hơn những quan điểm, tư tưởng của Người trong thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng này, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế để đạt được mục tiêu.

Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Đời sống mới” và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Nhật Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất