(TG)-Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã định hướng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu và là động lực để phát triển bền vững, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết trên đã đưa Tây Ninh phát triển đồng bộ về kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng, ấn tượng.
Khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội
Năm 2024 là tròn 10 năm, Tây Ninh Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai nghiêm túc, bài bản, qua đó, tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Trần Văn Dương (ngụ ấp Phước Bình, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) cho biết, năm 2019, gia đình ông được Ban Quản lý ấp và Chi hội Nông dân ấp Phước Bình hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dương Minh Châu. Có được vốn, gia đình ông đã đầu tư mua cây giống, phân bón và thuê nhân công trồng được 1 ha mãng cầu. Sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn mãng cầu bắt đầu cho trái, không những giúp kinh tế gia đình ông ổn định, mà còn tạo thêm việc làm cho 5 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, ngụ ấp Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, nhờ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gò Dầu có chương trình cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn mà con của bà trang trải được chi phí học tập, đến nay đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, gia đình bà còn được vay 100 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm để buôn bán và mở trang trại nuôi lươn thương phẩm. Hiện, trại lươn của gia đình bà có 22 hồ nuôi. Mỗi lứa lươn xuất bán xoay vòng (từ 1 đến 2 tháng xuất bán 1 lần) với trọng lượng trung bình trên 2 tấn, gia đình thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng; nhờ đó, gia đình đã có cuộc sống ổn định.
Ông Phạm Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Phước Đông, huyện Gò Dầu cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thật sự đi vào cuộc sống người dân, phát huy được hiệu quả rõ rệt. Nguồn vốn này giúp trên 218 hộ nghèo, cận nghèo của xã phát triển kinh tế và thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 300 lao động; giúp 149 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó trang trải chi phí học tập; xây dựng 492 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được... Ngoài ra, nguồn tín dụng chính sách xã hội còn giúp một cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng COVID-19 phục hồi hoạt động.
Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, qua 10 năm triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Huy động tương đối tốt các nguồn lực; triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện tốt, có hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Những kết quả đạt được thời gian qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế ở địa phương.
Nâng cao chất lượng đời sống của người dân
Ông Huynh Pích (người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, Chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc Khmer ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên) cho biết: Là già làng, cán bộ đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ ấp Hòa Đông A, sau khi được tiếp thu nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, hiểu được các chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bản thân ông luôn tích cực phối hợp với chính quyền xã thực hiện tuyên truyền nâng cao hiểu biết của dân tộc Khmer; thường xuyên vận động các gia đình người Khmer quan tâm đến việc giáo dục cho trẻ em. Nhờ vậy, trẻ em trong vùng đồng bào dân tộc được đi học và tham gia các tổ chức chính trị xã hội của địa phương ngày càng nhiều hơn.
Ông Huynh Pích cho biết thêm, các cấp chính quyền tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cũng tích cực vận động người dân trong phum, sóc đăng ký xây dựng, duy trì, giữ vững ấp văn hóa và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Tại địa phương hằng năm, có trên 85% hộ đạt gia đình văn hóa, tích cực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi của đồng bào dân tộc phù hợp với luật pháp và các giá trị truyền thống của người dân. Các cấp chính quyền đã vận động bãi bỏ nhiều tập quán lạc hậu, cưới hỏi, ma chay tốn kém... thay vào đó là áp dụng cách làm mới văn minh, tiến bộ nhưng vẫn giữ gìn được văn hóa truyền thống của người Khmer.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc thông tin, địa phương hiện không có huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phần lớn người dân có cuộc sống tương đối ổn định, ít biến động nên kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo qua các thời kỳ của Tây Ninh đều giảm thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác.
Chính sách hỗ trợ tín dụng đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có khả năng thoát nghèo và gia tăng thu nhập. Năm năm liền, Tây Ninh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (dưới 1%).
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật và coi đây là nguồn động viên tinh thần cho quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Tây Ninh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh, tăng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong GRDP; chú trọng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, liên kết, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp để người nông dân sống và làm giàu từ nông nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, đề ra các chính sách hỗ trợ, chương trình khuyến công, khuyến nông… để chính sách đến được với người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.
Minh Phú