Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 16/7/2019 13:53'(GMT+7)

820 triệu người trên thế giới đang thiếu ăn

Ông Jose Graziano da Silva (bên phải), Tổng Giám đốc FAO cầm bản sao báo cáo ““Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2019” tại trụ sở LHQ, TP. New York, ngày 15/7. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ông Jose Graziano da Silva (bên phải), Tổng Giám đốc FAO cầm bản sao báo cáo ““Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2019” tại trụ sở LHQ, TP. New York, ngày 15/7. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo báo cáo do Tổ chức Nông Lương (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) công bố, năm 2018, số người sống trong cảnh đói là 821,6 triệu người, trong khi con số này của năm 2017 là 811,7 triệu người, năm 2016 là 796,5 triệu người và năm 2015 là 785,4 triệu người.

Phát biểu ý kiến tại buổi công bố báo cáo, Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho biết, báo cáo năm nay sử dụng chỉ số mới là thang đo trải nghiệm mất an ninh lương thực (FIES) để đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hay nghiêm trọng.

Người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải đang đối mặt với những bất ổn về khả năng sở hữu thực phẩm và buộc phải thỏa hiệp về chất lượng hoặc số lượng thực phẩm. FIES ước tính, khoảng hai tỷ người (tương đương 26,4% dân số thế giới) đã trải qua các mức độ (vừa phải hoặc nghiêm trọng) của tình trạng mất an ninh lương thực.

Cảnh đói đang gia tăng tại gần như toàn bộ các vùng của châu Phi; tỷ lệ người thiếu ăn tại khu vực châu Phi cận Sahara là 22,8%. Con số này tại Caribbean cũng cao, chiếm 18,4% dân số khu vực. Tại châu Á, Nam Á vẫn là khu vực có tỷ lệ thiếu lương thực cao nhất (gần 14,7%), tiếp đến là khu vực Tây Á (hơn 12,4%). Nhìn tổng quát các khu vực trên thế giới, những người thiếu ăn phân bổ không đồng đều, trong đó phần lớn sống tại châu Á (hơn 500 triệu người).

Tại buổi ra mắt báo cáo, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “Qua sử dụng dữ liệu mới của UNICEF và WHO, chúng tôi có thể báo cáo lần đầu tiên về tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân, đây là yếu tố chính gây ra tử vong, ngăn cản quá trình phát triển của trẻ, giảm chỉ số thông minh (IQ), làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và phát triển thành bệnh tim và tiểu đường vào một ngày nào đó”.

Tỷ lệ người thừa cân đang tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường và người lớn. Theo báo cáo nêu trên, một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này là phần lớn trẻ em trong độ tuổi đến trường không ăn đầy đủ rau quả, thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh và các loại nước ngọt có ga./.

H.H (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất