Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 5/8/2013 22:25'(GMT+7)

86 học viên nhận Chứng chỉ Lớp bồi dưỡng viết Văn Nguyễn Du khóa VII



Sau hơn 10 ngày học tập, bồi dưỡng, ngày 05/8/2013, tại Bảo tàng Văn học Việt Nam (Hà Nội), Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ Bế giảng Lớp bồi dưỡng viết Văn Nguyễn Du (khóa VII) với sự tham gia của 86 học viên đến từ các vùng miền trong cả nước, trong đó người nhiều tuổi nhất là ông Lê Tấn Trạch (sinh năm 1931) và học viên nhỏ tuổi nhất là Đỗ Mai (sinh năm 1991). 

Kế thừa kinh nghiệm của 6 khóa bồi dưỡng viết văn trước đây, Lớp bồi dưỡng viết Văn Nguyễn Du lần thứ 7 đã có 18 buổi làm việc, học tập, trao đổi nghiêm túc với ba hợp phần chính: Kiến thức lịch sử văn học; Kiến thức lý luận văn học; Trao đổi kinh nghiệm sáng tác. 86 học viên đã được nghe các chuyên đề (lý thuyết đến thực tiễn sáng tác) bổ ích; được gặp gỡ 18 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học có uy tín, tên tuổi, chuyên môn cao trong nền văn học nước nhà, như: Nhà thơ Hữu Thỉnh, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Khắc Trường, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu…trao đổi kinh nghiệm viết văn. Điều đáng nói, hầu hết các tác phẩm của học viên đều được giảng viên đọc, nhận xét, trao đổi khá kỹ lưỡng. Kết quả của khóa bồi dưỡng đã được các “bà đỡ” nâng niu, đăng tải kịp thời trên báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Người Hà Nội (Hội Nhà văn Hà Nội) và một số tờ báo địa phương khác. 

Tại Lễ Bế giảng, bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã tâm sự với học viên về chuyện nghề văn.  Mượn lời tác giả “Văn Tâm Điêu Long” (Lưu Hiệp), ông muốn chuyển tải tinh thần đến cho mỗi học viên yêu mến và sẽ đeo đuổi với sự nghiệp văn chương “Nếu coi văn chương là khó thì mọi cái dễ sẽ đến và ngược lại nếu coi văn chương là dễ thì mọi cái khó sẽ đến”. 

Với tinh thần cầu thị, Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tiếp thu những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của học viên về thiết kế chương trình, đi thực tế, tăng cường giao lưu, học hỏi giữa các khóa, đặc biệt là các nhà văn đã thành danh…để rút kinh nghiệm cho những khóa bồi dưỡng viết văn tiếp theo đạt hiệu quả thiết thực. 86 học viên đã được nhận Chứng chỉ đã tham gia Lớp bồi dưỡng viết Văn Nguyễn Du khóa VII.

Xuân Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất