“NHỚ LẠI CÓ THỂ CHẢY NƯỚC MẮT”
Kể từ ngày Việt Nam và EU có buổi làm việc tại thủ đô Brussels (Bỉ),
chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA đến nay là tròn 7 năm.
Trước đó 2 năm, vào tháng 10/2010, tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ
8, hai bên nhất trí khởi động đàm phán EVFTA, một thành viên đoàn đàm
phán nhận xét trong suốt 14 vòng đàm phán kéo dài từ 2012-2015 với hàng
chục nội dung được thỏa thuận, khó có thể nói phiên đàm phán nào gay cấn
nhất. Bởi “mỗi phiên đều căng thẳng, nếu không muốn nói là “khắc
nghiệt”."
“Đi vào giai đoạn cuối của đàm phán, khi đã chuẩn bị kết thúc được
những vấn đề rất khó như lao động, mua sắm Chính phủ, những tưởng chặng
đường sẽ êm xuôi nhưng ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với việc xử lý
mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán FTA với
chúng ta. Đó là thời điểm năm 2015 - cột mốc cực kỳ phức tạp và căng
thẳng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kể.
Theo Bộ trưởng, khó nhất đối với đoàn đàm phán Việt Nam là xử lý mâu
thuẫn cách tiếp cận giữa Mỹ và EU liên quan đến chỉ dẫn địa lý cùng
nhiều vấn đề khác. Thời điểm đó, Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là CPTPP). Đây cũng là năm đàm
phán giữa Việt Nam với Nga, Hàn Quốc và EVFTA đi vào chặng nước rút và
hoàn tất.
“Trong quá trình đàm phán, các nước lớn luôn nhìn vào nhau xem phía
đối tác mở cửa cho nước khác ra sao? Việt Nam đứng trước áp lực cực kỳ
cao vì phải tính toán cân bằng lợi ích các nước, chỉ cần lộ một chút
thông tin về ý định ưu đãi nhiều hơn cho nước nào đó thì chắc chắn gặp
phải sự phản ứng gay gắt”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Đàm phán EVFTA được hai bên thống nhất kết thúc cơ bản sau phiên đàm
phán thứ 14 diễn ra trong các ngày 13 đến 17/7/2015. Nhưng, đến năm
2017, chúng ta vẫn chưa thể đi vào ký kết và có nguy cơ phải tiếp tục
đàm phán với các nội dung liên quan đến đầu tư khi FTA của EU với
Singapore đối mặt với làn sóng phản đối.
Là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có FTA với EU, hiệp định
của Singapore bị đưa lên Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) xem xét trước khi
có hiệu lực. Phán quyết của tòa đã chia hiệp định làm 2 phần riêng biệt,
gồm thương mại tự do và một thỏa thuận riêng rẽ về bảo vệ đầu tư. Lý
do, các nội dung liên quan đến đầu tư vốn phải được cơ quan lập pháp của
tất cả các nước thành viên phê chuẩn, EU không được thay thẩm quyền đàm
phán của các nước thành viên.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ
Công Thương), thành viên đoàn đàm phán, cho hay vụ kiện trên đã khiến
Việt Nam phải mất thời gian lâu hơn dự kiến ban đầu để chờ đợi phán
quyết của tòa án. Phán quyết của ECJ với Singapore cũng đồng thời áp
dụng với Việt Nam, tức phải tách ra và khai sinh 2 hiệp định mới là
EVFTA và IPA.
Theo ông Lương Hoàng Thái, việc tách hiệp định ban đầu ra thành 2
hiệp định mới hoàn toàn không phải thao tác kỹ thuật thông thường mà
giữa hai hiệp định có mối ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Thậm chí, có
thể ví von rằng “hai hiệp định như cặp song sinh”.
“Trong hiệp định thương mại có những nội dung liên quan đến đầu tư,
ví dụ như đầu tư trực tiếp, còn trong hiệp định đầu tư lại có nội dung
liên quan đến hiệp định thương mại như bảo hộ thương mại, mở cửa thị
trường cho nhà đầu tư. Như vậy, tuy hai hiệp định riêng biệt nhưng không
thể tách rời. Ví dụ, một nhà đầu tư
muốn mở nhà máy ở Việt Nam thì điều kiện gia nhập thị trường được dẫn
chiếu theo EVFTA, còn những điều khoản khác liên quan đến đầu tư lại
điều chỉnh theo IPA”, ông Lương HoàngThái phân tích.
Đến ngày 30/6, khi lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định
Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) chính
thức diễn ra tại Hà Nội, vị thành viên đoàn đàm phán đã xúc động nói
rằng: Chúng tôi được cùng nhau chứng kiến thành quả của sự nỗ lực từ cả
hệ thống chính trị với biết bao con người, vượt rất nhiều khó khăn trong
nhiều năm, mà đến giây phút này nhớ lại có thể chảy nước mắt.
MỤC TIÊU THAM VỌNG
15 năm trước đây, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5
(ASEM 5) tại Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam và các nước châu Âu đã
thảo luận và đi đến thống nhất một lộ trình để hướng tới
tăng cường hợp tác giữa hai bên thông qua các bước hội nhập với
nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Bước đầu tiên chính là việc
EU hỗ trợ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
và sau đó là đi đến một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa
hai bên.
“Khi đó, châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên chia
sẻ và tin tưởng ở ý chí, quyết tâm hội nhập của dân tộc Việt
Nam. Rất ít người nghĩ rằng hai bên có thể đạt được các mục
tiêu đầy tham vọng này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kể lại.
Nói về “nút thắt” năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm: Năm
2016 khi bà Cecilia Malmstrom (Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu
– PV) và Bộ trưởng gặp nhau, tình hình thế giới và ở hai khu
vực đầy bất lợi, hai bên gặp những khó khăn tưởng chừng không
thể vượt qua. Thời điểm đó, phát sinh nhiều vấn đề trong những lĩnh
vực đầu tư liên quan đến thẩm quyền của từng quốc gia và thẩm quyền của
châu Âu. Những vấn đề này dẫn đến những nội dung liên quan đến bảo hộ
đầu tư, xử lý các tranh chấp đầu tư, đòi hỏi phải xem xét để tách riêng
thành 2 hiệp định EVFTA và IPA.
Quá trình tách 2 hiệp định này đã kéo dài thời gian đến năm 2018
chúng ta mới hoàn tất. Cuối năm 2018 EU mới xem xét ký kết hiệp định.
Tuy nhiên, vẫn còn cần thông qua Hội đồng châu Âu. Chính vì vậy, từ
tháng 5/2019, báo cáo giải trình Hội đồng châu Âu và cuối cùng thì 25/6,
Hội đồng châu Âu quyết định ký kết đồng thời cùng lúc 2 hiệp định.
“Quãng thời gian đàm phán 9 năm vừa qua rất dài nhưng so với các Hiệp
định tự do tương tự mà EU đàm phán đến 20 năm mới thấy được những nỗ
lực mạnh mẽ của chúng ta. Vì đây là những nội dung rất toàn diện với yêu
cầu rất cao của các bên tham gia, trong đó các bên có trình độ khác
biệt rất lớn trong trình độ phát triển kinh tế và những đặc thù riêng”,
Bộ trưởng kể lại.
Đoàn đàm phán đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn cụ thể trong vấn
đề truyền thống, kể cả các cắt giảm về thuế quan để mở cửa thị trường.
Nhưng đặc biệt là những nội dung phi truyền thống, trong đó nội dung
về “mua sắm Chính phủ” là những nội dung rất mới; liên quan đến bảo hộ
tác giả và sở hữu trí tuệ, một số vấn đề liên quan đến đầu tư và bảo hộ
đầu tư đều là những vấn đề mới và phức tạp.
Chưa kể Việt Nam còn phải đối mặt với những vướng mắc nằm ngoài nội
dung của hiệp định. Bộ trưởng cho biết nhiều vấn đề hoàn toàn không liên
quan đến nội dung cụ thể trong hiệp định nhưng Nghị viện châu Âu vẫn
đặt ra như là yêu cầu để xem xét ký kết hiệp định với Việt Nam. Những
câu chuyện khác được nêu ra ngay trong phút cuối đàm phán như về thị
trường gạo châu Âu, đánh bắt cá bất hợp pháp, người lao động… cũng tốn
rất nhiều giấy mực để tìm ra lời giải.
Cuối cùng, nguyên tắc “win-win” - theo cách gọi của Bộ trưởng Trần
Tuấn Anh, tức cùng chia sẻ thắng lợi, cùng có lợi ích, đã đem lại thành
công cho đàm phán.
“15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu
cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD. Việt Nam khi đó vẫn là một đối
tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền
kinh tế thế giới.
Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm
trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một
giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: Giai đoạn của quan hệ lâu
dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi xây dựng trên cơ sở
các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương
mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng nhìn nhận./.
Phan Trang (VGP)