Điểm mới của luật là thống nhất được định
nghĩa về nguồn vốn đầu tư công (ĐTC), gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn từ
nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Đây là một thay đổi rất quan
trọng, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về dự án và kế
hoạch ĐTC, giúp đơn giản hóa quy trình đầu tư, không còn phân biệt giữa
các nguồn vốn của ngân sách nhà nước.
Đáng lưu ý, Luật ĐTC (sửa đổi)
thực hiện phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng
cân đối vốn; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư,
vừa bảo đảm thẩm quyền của các cơ quan, vừa tăng tính chủ động, phù hợp
điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức
tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.
Đổi mới phương thức kế hoạch hóa, đáp ứng tốt hơn thực tiễn vận hành
của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về ĐTC từ trước đến
nay.
Đặc biệt, luật cũng quy định xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐTC và ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý ĐTC. Đây là yếu tố quan trọng góp phần
nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư gắn với tăng
cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động ĐTC, phù hợp
với quá trình xây dựng chính phủ điện tử và tiến tới chính phủ số.
Trước đây, toàn bộ công tác tổng hợp, giao và quản lý kế hoạch ĐTC đều
được làm thủ công nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tra soát,
theo dõi, giám sát cũng như điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch. Từ
năm 2018, tuy đã ứng dụng một phần công nghệ thông tin trong việc tổng
hợp, giao và quản lý kế hoạch ĐTC nhưng vẫn ở mức độ hạn chế và chưa có
quy định pháp lý đối với nội dung này.
Luật ĐTC có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý thống
nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản
lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn ĐTC; khắc phục tình trạng đầu tư dàn
trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu,
định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất
nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch
trong quản lý ĐTC. Tuy nhiên, những hạn chế trong hoạt động ĐTC những
năm qua không chỉ có nguyên nhân trong nội hàm luật, dẫn đến việc Luật
ĐTC chỉ sau hơn ba năm thi hành đã phải sửa đổi, mà còn do quá trình
triển khai thực hiện còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng giải ngân
chậm do chậm giao vốn, do công tác giải phóng mặt bằng, năng lực của
nhà thầu…
Đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là
nhìn từ góc độ bảo đảm cơ sở cho phát triển bền vững. Mỗi năm, Việt Nam
có hàng nghìn dự án ĐTC, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu
tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC,
bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp luật, cần triển khai tốt công tác
thi hành Luật ĐTC (sửa đổi), trong đó có các quy định về vốn đầu tư
trung hạn và triển khai phân bổ vốn đúng kế hoạch cân đối với nguồn lực
quốc gia.