Song hành cùng hơn 90 mùa Xuân của đất nước, công tác dân vận đã và đang đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, đa dạng hình thức tập hợp nhân dân. Dù nội dung, phương thức khác nhau, song mục tiêu của công tác dân vận nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
“Nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”
Tại huyện vùng sâu vùng xa Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, công tác dân vận đã ghi dấu ấn ở mọi mặt như đoàn kết tập hợp nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế, chống dịch COVID-19, xây dựng nông thôn mới. Thôn 10, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, hiện có 175 hộ dân với 795 khẩu. Thôn đã thành lập các tổ dân vận cơ sở, mỗi tổ gồm 8 người có uy tín trong thôn. Tổ đã gần gũi với nhân dân, hoạt động với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, đi đầu trong các phong trào.
10 năm nay, tổ dân vận cơ sở đã hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và quản lý cụm dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động, chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tình hình an ninh trật tự ở thôn ổn định, nhiều năm không phát sinh vụ việc phức tạp. Diện mạo nông thôn mới khởi sắc.
Để đa dạng hình thức tập hợp nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk còn triển khai các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp như: Mô hình kết nghĩa với thôn/buôn dân tộc thiểu số, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”...
Bước chân của cán bộ dân vận miệt mài đi đến tận vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng dân di cư ngoài kế hoạch để vận động, tuyên truyền, góp phần triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách, phong trào thi đua yêu nước.
Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk Nghiêm Văn Chuẩn cho biết, người làm công tác dân vận phải gần dân, sát dân và có trách nhiệm với nhân dân, coi trọng công tác đối thoại, lắng nghe và nhận thức rõ vai trò làm chủ của nhân dân; thực hiện linh hoạt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Mọi việc nhân dân đồng tình ủng hộ, việc gì cũng thành công. Trong tiếp cận vụ việc, cần phải hiểu được phong tục tập quán, đời sống, tâm tư nguyện vọng, tiếng nói và chữ viết… của nhân dân ở mỗi địa phương, mỗi khu vực và tuyên truyền dễ hiểu, đúng thực tiễn, khơi gợi trách nhiệm, sự hăng hái của nhân dân. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm với nhân dân, lấy dân làm gốc và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến gần gũi với đồng bào khu vực biên giới, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tích cực đã cùng chính quyền các địa phương biên giới tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tại Đồn Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc), cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đã triển khai nhiều mô hình tạo sinh kế, giúp đồng bào cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Với phương châm “hướng về cơ sở”, “nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”, đơn vị luôn chủ động gần dân, bám bản, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chia sẻ về mô hình trồng cây hoa trà mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Mẫu Sơn, Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn giải thích, giống cây trà hoa vàng đang có giá trị kinh tế cao lại rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Để biết được điều đó, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã chủ động, tích cực bám nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Căn cứ vào đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình phù hợp và đạt hiệu quả trong việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Qua đó, góp phần giúp người dân vùng biên giới ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó, xây dựng quê hương.
Không chỉ vậy, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 8/2022, có 96 học sinh được giúp đỡ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, 9 em được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nhận làm con nuôi đồn Biên phòng.
Ngoài ra, 20 công trình dân sinh được xây dựng với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, làm 3 nhà mái ấm nơi biên giới, tặng trên 5.400 giống cây trồng cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, chủ trương cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã giải quyết được nhiều vấn đề ở cơ sở, hóa giải vụ việc phức tạp ở địa bàn biên giới.
Những nghĩa cử cao đẹp ấy đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với người dân vùng biên cương của Tổ quốc.
Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Theo báo cáo tổng kết công tác dân vận năm 2022, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm điều lệ Đảng, các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Ban Dân vận các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận năm 2022; phổ biến, quán triệt các quyết định, quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác dân vận của Đảng; xây dựng chương trình và triển khai thực hiện công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị của địa phương, các mục tiêu kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân theo hướng sát thực, hiệu quả, gắn với cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Những kết quả quan trọng trên đã góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Từ những thành tích đã đạt được của hệ thống dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, công tác dân vận phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, lý giải thấu đáo, kiên trì thuyết phục để nhân dân hiểu đúng tình hình đất nước và thế giới, những tác động tới nước ta; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó, vận động, hướng dẫn nhân dân tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để tham gia phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu gương trong học tập, lao động, công tác và cuộc sống hằng ngày; phải bám sát cơ sở, gần dân, học và làm theo phong cách dân vận của Bác Hồ "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", từ đó tạo niềm tin và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, các chủ trương, chính sách có hay đến đâu mà không đi vào nhận thức, tình cảm, quyết tâm của nhân dân thì chưa đạt yêu cầu. Người làm công tác dân vận phải nắm sát tình hình nhân dân một cách chính xác, khoa học, đúng bản chất vấn đề.
Nêu rõ một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2023 toàn ngành, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy các cấp ban hành, triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;" Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận và các văn bản mới ban hành.
Đồng thời, tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; nắm bắt tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo...
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Ban Dân vận các cấp tiếp tục phát động và thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với tình hình thực tiễn địa phương; tổ chức hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023)...
Diệp Trương (TTXVN)