Dựa trên kết quả 75% số phiếu đã kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý ngày
16/3 về tương lai của Crimea (Crưm), tỉ lệ cử tri ủng hộ Crimea sáp nhập
trở lại vào Nga đã đạt tới 95,7%.
Con số này vừa được Chủ tịch Hội đồng cấp cao Crimea về trưng cầu ý dân Mikhail Malyshev thông báo với các phóng viên vào rạng sáng nay, 17/3.
Cũng theo ông Malyshev, chỉ có 3,2% cử tri muốn Crimea ở lại Ukraine với quyền tự trị lớn hơn và 1,1% cử tri bỏ phiếu trắng.
Trong khi đó, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn kết quả thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 do Viện nghiên cứu chính trị và xã hội Crimea tiến hành cho thấy có tới 93% cử tri Crimea ủng hộ khu vực này trở thành một bộ phận của Nga, bất chấp việc giới chức mới lên cầm quyền ở Ukraine và một số nước phương Tây coi sự kiện này là bất hợp pháp.
Trong một tuyên bố, chính quyền Crimea nhấn mạnh: “93% người dân Crimea ủng hộ việc sáp nhập vào Nga trong cuộc trưng cầu dân ý. Đây là số liệu của cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu”. Theo hãng thông tấn Interfax, tỷ lệ cử tri Crimea đi bỏ phiếu đạt trên 80%.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Thủ tướng cộng hòa tự trị Crimea, ông Sergey Aksyonov cho biết chính quyền khu vực này sẽ chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày hôm nay. Phát biểu trên trang mạng xã hội Twitter sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea kết thúc, ông Aksyonov nói: “Xô Viết Tối cao của Crimea sẽ chính thức nộp đơn đề nghị cho nước cộng hòa này sáp nhập vào Liên bang Nga trong một cuộc họp ngày 17/3”.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Crimea đã đổ xuống đường ăn mừng kết quả trưng cầu dân ý mà các cuộc thăm dò dư luận ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy đa số cử tri Crimea ủng hộ việc bán đảo trên Biển Đen này tách khỏi Ukraine và hợp nhất với Nga. Hàng nghìn người đã tập trung ở thủ phủ Simferopol cũng như thành phố cảng Sevastopol, nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen, vẫy cờ Nga và cờ Crimea.
Bán đảo Crimea trước đây là một phần của Liên bang Nga nhưng tháng 5/1954 được trao cho Ukraine lúc đó còn là một phần của Liên bang Xôviết. Tháng 5/1992, Hội đồng Tối cao Crimea (Quốc hội) tuyên bố độc lập với Ukraine và đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân vấn đề này, song bị giới chức Ukraine bác bỏ. CH tự trị Crimea sau đó đã tổ chức 2 cuộc trưng cầu ý dân trong các năm 1991 và 1994 để thăm dò ý nguyện cử tri muốn Crimea ở lại Ukraine với quyền tự trị lớn hơn hay muốn sáp nhập với Nga.
Trong bối cảnh Chính quyền Ukraine quyết định bỏ tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở bán đảo Crimea, Hội đồng Tối cao khu vực này ngày 6/3 vừa qua quyết định xúc tiến sớm cuộc trưng cầu ý dân thứ ba, thay vì vào ngày 30/3 như kế hoạch ban đầu và chưa đầy một tuần sau đã thông qua nghị quyết về độc lập cho Crimea để mở đường cho cuộc trưng cầu ý dân ngày 16/3.
Theo TTXVN