Thứ Hai, 7/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 23/9/2015 8:55'(GMT+7)

ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

FDI tăng mạnh

Theo ông Ê-rích, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam có thể đạt mức 6,5% trong năm 2015 và 6,6% trong năm 2016, cao hơn dự báo 6,1% (năm 2015) và 6,2% (năm 2016) mà ADB đã đưa ra hồi tháng 3 vừa qua. “Việc nâng triển vọng tăng trưởng GDP là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến FDI tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, lạm phát thấp, tiêu dùng cá nhân tăng”, ông Ê-rích Xít-uých cho hay.

Báo cáo của ADB giải thích rõ, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết, mỗi năm có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.

Một yếu tố khác tác động tới việc tăng GDPlà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8-2015, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8-2015. Tốc độ tăng trưởng trong ngành xây dựng cũng tăng tốc, đạt 6,6% trong 6 tháng đầu năm nhờ có sự hồi phục trên thị trường bất động sản và đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng.

Liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp, báo cáo của ADB chỉ rõ, hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp nhà nước đang dần dần đạt được tiến bộ. Chính phủ đã cổ phần hóa một phần 61 doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2015, tiếp theo 143 doanh nghiệp trong năm 2014.

Ông Ây-rôn Bát-ten (Aaron Batten), chuyên gia kinh tế của ADB tại Việt Nam nhấn mạnh tới việc lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng GDP. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá dầu và giá hàng hóa thế giới giảm giúp giữ giá cả lương thực và vận tải ở mức thấp… Ngoài ra, triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc ký kết  Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Dự báo tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở các nền kinh tế công nghiệp lớn trong năm 2016 sẽ khích lệ xuất khẩu và dòng vốn đầu tư, song phần nào bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.

Cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính


Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song báo cáo của ADB cũng chỉ ra một số thách thức kinh tế vĩ mô mà Việt Nam cũng đang phải đối mặt. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp”, báo cáo phân tích.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Ây-rôn Bát-ten, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc Chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với Chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.

Cũng theo Giám đốc ADB Ê-rích Xít-uých, lạm phát dự báo sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước vào thời điểm tháng 12 năm nay do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng, tăng cung tiền, tăng giá xăng, dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá  đối với giá nhập khẩu.

Theo khuyến cáo của Giám đốc ADB, để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất