Trong tháng Bảy, Ai Cập đã phải trải qua làn sóng biểu tình lớn nhất trong lịch sử quốc gia Bắc Phi này cũng như trong lịch sử nhân loại.
Báo cáo "Chỉ số Dân chủ" do Trung tâm Phát triển Quốc tế (IDC) công bố ngày 2/8
cho biết trong tháng Bảy tổng cộng có 1.432 cuộc biểu tình, với trung bình 46
cuộc/ngày và 2 cuộc/giờ. Hơn 30 triệu người đã tham gia các cuộc biểu tình trên
toàn quốc phản đối chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi và tổ chức Anh
em Hồi giáo (MB), cũng như ủng hộ giai đoạn chuyển tiếp theo lộ trình được quân
đội vạch ra sau cuộc chính biến ngày 3/7.
Trong khi đó, gần một triệu
người Hồi giáo cũng đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi
và phản đối cái mà họ gọi là "cuộc đảo chính quân sự chống lại tính hợp
hiến."
Theo báo cáo "Chỉ số Dân chủ" - một tài liệu dùng để đánh giá tình
trạng dân chủ tại 167 quốc gia trên thế giới - chỉ vẻn vẹn trong ba ngày đầu
tháng 7 đã xảy ra 420 cuộc biểu tình kết thúc bằng việc quân đội ra lệnh phế
truất vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử Ai Cập. Ngày 10/7 có ít cuộc
biểu tình nhất trong tháng cũng có tới 12 cuộc. Trong khi đó, ngày cao điểm 1/7
có tới 147 cuộc biểu tình trên khắp cả nước.
Các cuộc biểu tình phản đối
ông Morsi hoàn toàn áp đảo về số người tham gia. Tuy nhiên, số lượng các cuộc
biểu dương lực lượng của hai phe đối địch gần như không có khác biệt lớn. Các
cuộc biểu tình diễn ra dưới 24 hình thức khác nhau, trong đó 3 hình thức phổ
biến nhất là tuần hành (582 cuộc, chiếm 40,89%), biểu tình tại chỗ (264 cuộc,
chiếm 18,55%) và phong tỏa đường sá (chiếm 8,29%).
Thủ đô Cairo là nơi
diễn ra nhiều cuộc biểu tình nhất (chiếm 19,74%), tiếp đó là các tỉnh Gharbia
(chiếm 6,76%) và Giza (chiếm 6,69%). Mục đích chính của các cuộc biểu tình nhằm
đòi các quyền chính trị và dân sự (tăng từ 60% trong tháng 6 lên mức 89,5% trong
tháng 7) và đòi các quyền kinh tế và xã hội (chiếm 10,5%).
Báo cáo ghi
nhận sự xuất hiện các diễn biến "nguy hiểm" trong các cuộc biểu tình, trong đó
có việc người dân sở tại tham gia tấn công người biểu tình và việc sử dụng vũ
khí ở những người ủng hộ ông Morsi. Việc sử dụng bạo lực trong các cuộc biểu
tình đã trở thành một "xu hướng" chưa từng thấy trước đó. Nguy cơ gia tăng các
vụ "tấn công khủng bố" do những người trung thành với Tổng thống bị lật đổ
Mohamed Morsi tiến hành trong trường hợp không đạt được giải pháp chính
trị.
Trước đó, theo báo cáo đầu tháng 4 của IDC, trong tháng Ba cũng có
1.354 cuộc biểu tình. Trong báo cáo cuối tháng Sáu, các cuộc biểu tình diễn ra
trong một năm cầm quyền của ông Morsi (từ ngày 1/7/2012 đến ngày 20/6/2013) lên
tới 9.427 cuộc biểu tình.
Bộ Nội vụ Ai Cập ngày 2/8 cam kết sẽ dành "lối
thoát an toàn" cho những người biểu tình ủng hộ ông Morsi nếu họ nhanh chóng
chấm dứt hai cuộc biểu tình ngồi kéo dài hơn một tháng qua tại Quảng trường
Rabaa Al-Adawiya ở Đông Bắc Cairo và trước cửa Đại học Cairo tại tỉnh Giza.
Trong một tuyên bố đăng trên trang Facebook chính thức của mình, Bộ cũng kêu gọi
những người biểu tình Hồi giáo "suy nghĩ lại vì những lợi ích tốt nhất của đất
nước."
Cũng trong ngày 2/8, Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim đã tổ chức
một cuộc họp với nhiều quan chức an ninh để nghiên cứu các cách thức giải tán
hai địa điểm biểu tình ngồi của phe Hồi giáo nhằm bảo vệ an toàn cho người dân.
Trước đó, ngày 1/8, Nội các Ai Cập đã ủy quyền cho Bộ Nội vụ sử dụng tất cả các
biện pháp phù hợp với pháp luật và hiến pháp để giải tán các cuộc biểu
tình.
Tình hình ở Ai Cập ngày 1/8 thêm căng thẳng sau khi nguồn tin từ
Tòa án cho biết 3 thủ lĩnh hàng đầu của MB, trong đó có ông Mohamed Badie sẽ
được đưa ra xét xử vì tội kích động giết người.
Trong khi đó, nhật báo
Almasry Alyoum dẫn lời Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Ahmed al-Borai bác bỏ thông tin
rằng quyết định giải tán MB sẽ được đưa ra trong vài giờ tới và khẳng định bộ
vẫn "đang nghiên cứu" vấn đề này. MB được hợp pháp hóa dưới hình thức một hiệp
hội vào ngày 19/3/2012 và hiện đang đối mặt với nhiều vụ kiện đòi giải tán.
Theo một số nguồn tin, quyết định trên có thể được đưa ra dựa trên các
bằng chứng về sự dính líu của MB vào các hành vi bạo lực diễn ra ngay trước cửa
trụ sở chính của tổ chức này tại quận Mokattam khiến 8 người thiệt mạng và 91
người bị thương. Nhiều vũ khí, đạn dược và thuốc nổ đã được các nhà điều tra
phát hiện trong tòa nhà này.
Trong một diễn biến khác, trong chuyến thăm
Ai Cập ngày 1/8, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã thảo luận với Tổng thống
nước chủ nhà Adli Mansour, Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại Mohamed ElBaradei,
Tổng Tư lệnh kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah al-Sisi và Ngoại trưởng
Nabil Fahmy về các diễn biến và lộ trình tương lai của nước này.
Phát
biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Cairo, ông Westerwelle cho rằng chỉ người dân
Ai Cập mới có thể quyết định vận mệnh của chính họ.
Cùng ngày phát biểu
trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Pakistan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho
biết quân đội Ai Cập, lực lượng tiến hành phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, đã
can thiệp theo yêu cầu của hàng triệu người dân nước này nhằm bảo vệ nền dân chủ
và đã khôi phục lại điều này.
Ông Kerry thông báo Mỹ đang phối hợp với
Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia khác để xem xét liệu tình trạng rối loạn
ở Ai Cập có được giải quyết một cách hòa bình hay không.
Để giảm bớt sự
căng thẳng chính trị ở Ai Cập, trong chuyến đi đến Cairo, phái viên EU,
Bernardino Leon cho biết EU không dễ dàng chấp nhận việc sử dụng bạo lực giải
tán biểu tình và hành động bạo lực phải được giải trình lên cộng đồng quốc tế.
Giải pháp chính trị chỉ có thể đạt được khi cả hai bên cùng kiềm
chế./.
(TTXVN)