Thứ Sáu, 11/10/2024
Thế giới
Thứ Tư, 19/10/2011 10:50'(GMT+7)

Ai đứng sau phong trào “Chiếm Phố Uôn”?

Hai cha con cùng nhau đi biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở Niu Y-oóc ngày 15-10. (Ảnh: AFP).

Hai cha con cùng nhau đi biểu tình tại Quảng trường Thời đại ở Niu Y-oóc ngày 15-10. (Ảnh: AFP).

Những nghi ngờ về một “mạnh thường quân” đứng đằng sau hỗ trợ tài chính cho cuộc biểu tình “Chiếm Phố Uôn”, đến nay đã lan rộng ra hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ và một số nước khác, đã được Roi-tơ đề cập đến trong một bài báo của mình. Theo hãng tin này, cái tên được chú ý nhiều nhất là trùm tài phiệt, tỷ phú Gioóc Xô-rốt (George Soros), người vừa lọt vào danh sách 10 người giàu nhất nước Mỹ. G.Xô-rốt là một trong những người được đề cập đầu tiên bởi ông được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức phát động phong trào “Chiếm Phố Uôn” phản đối giới tài chính Mỹ. Tuy tỷ phú Xô-rốt và những người biểu tình bác bỏ đồn đoán này, song Roi-tơ đã phát hiện ra mối liên hệ gián tiếp giữa Xô-rốt và Adbusters - một nhóm hoạt động chống tư bản ở Ca-na-đa đứng ra khởi xướng phong trào biểu tình “Chiếm Phố Uôn”.

Hơn nữa, tỷ phú Xô-rốt và những người biểu tình có chung khá nhiều quan điểm. Trả lời phỏng vấn báo giới hồi đầu tháng tại LHQ, tỷ phú Xô-rốt nói: “Tôi có thể hiểu được tâm tư của họ”. Theo một số nguồn tin, các tổ chức tham gia biểu tình đã nhận được khoản viện trợ hơn 3,6 triệu USD từ Quỹ Xã hội mở (Open Society Foundation) của tỷ phú Xô-rốt. Theo các tài liệu mật từ năm 2007 đến năm 2009, Quỹ của Xô-rốt đã cấp 3,5 triệu USD cho Tides Center, một tổ chức hoạt động ở Xan Phran-xi-xcô để qua đó viện trợ tài chính cho các tổ chức phi lợi nhuận. Tuy nhiên, trợ lý của ông Xô-rốt đã phủ nhận mọi liên hệ với các tổ chức này, trong khi bản thân ông Xô-rốt từ chối bình luận.

Cũng giống như người biểu tình, Xô-rốt kịch liệt phản đối gói cứu trợ ngân hàng năm 2008 của chính phủ Mỹ, hay việc mua lại nợ xấu do bong bóng bất động sản. Họ cho rằng, gói cứu trợ năm 2008 giúp giới ngân hàng thu được lợi nhuận khổng lồ trong khi những người dân Mỹ phải hứng chịu nạn thất nghiệp. Năm 2009, trong một bài xã luận, ông Xô-rốt viết rằng, việc mua nợ xấu của ngân hàng sẽ “hỗ trợ sự sống nhân tạo cho các ngân hàng bằng chi phí đáng kể của người đóng thuế”. Ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma phải đưa ra hành động quyết liệt bằng cách tái cấu trúc hoặc quốc hữu hóa các ngân hàng và buộc họ phải cho vay với mức lãi suất hấp dẫn. Lời khuyên của ông không được ai lắng nghe.

Những người biểu tình “Chiếm Phố Uôn” cho rằng, người giàu ngày càng giàu hơn trong khi người dân tầng lớp trung lưu của Mỹ phải chịu thiệt khi nền kinh tế Mỹ đang khốn đốn. Khẩu hiệu của phong trào là “99%”, tức là 99% dân là người nghèo hay chỉ đủ ăn, trong khi đó 1% người cực giàu điều khiển guồng máy kinh tế tài chính Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người.

Đòi hỏi nổi bật nhất của “Chiếm Phố Uôn” là tăng thuế nhà giàu và tạo công ăn việc làm. Đó cũng là những điều gây tranh cãi tại quốc hội lâu nay. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, phong trào rộng lớn này đã bộc lộ nhiều vấn đề cơ bản đang tồn tại trong xã hội Mỹ, và có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới các quyết định chính sách của Chính phủ Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đang khủng hoảng, mức thất nghiệp toàn quốc là 9,1% và chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống thì tiếng nói sẽ được lắng nghe và ảnh hưởng của phong trào sẽ rộng lớn.

Giô-dép Xtích-lít (Joseph Stiglitz), một nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nô-ben ủng hộ phong trào này, cho rằng toàn bộ xã hội Mỹ đang phải gánh chịu những thua lỗ do những việc làm sai lầm của Phố Uôn gây ra, trong khi lợi nhuận lại rơi vào túi của một vài cá nhân./.

(Theo: Anh Thư/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất