Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019) và 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979-17/2/2019).
Chia sẻ khó khăn với các gia đình vùng biên
Bố con anh Hoàng Phúc Hương (dân tộc Dao, thôn Nóc Mò, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) rất vui mừng đến tham dự Chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái năm 2019” với chủ đề “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản” tại đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng con trai anh, cháu Hoàng Hữu Hiển, học sinh lớp 1, trường tiểu học xã Mẫu Sơn đã luôn nỗ lực, vươn lên, trở thành một học sinh giỏi của trường cuối học kỳ 1 vừa qua. Là một trong 30 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận học bổng của chương trình Caravan Hành trình nhân ái 2019, cháu Hoàng Hữu Hiển cho biết, con sẽ đưa tiền cho bố mẹ để đóng tiền học, mua thêm vở tập viết và đồ dùng học tập.
Anh Hoàng Phúc Hương chia sẻ, những món quà mà Chương trình trao tặng như chăn, gạo, đồ dùng sinh hoạt… rất cần thiết cho các hộ gia đình ở vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn như gia đình anh. Anh mong muốn, mình có được một nghề nghiệp ổn định để đảm bảo cuộc sống, nuôi hai con ăn học.
Gia đình trưởng bản Triệu Sáng Thêm thôn Lặp Pịe, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình trong nhiều năm qua luôn là một trong những hộ gia đình gương mẫu, phối hợp với các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma nhận bảo vệ 3,5 km đường biên mốc giới.
“Tôi cũng như các hộ dân trong thôn đều tự nguyện trông coi, giữ gìn cột mốc. Tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế trên diện tích đất được giao trông coi, bảo vệ. Bất cứ người dân nào trong thôn khi phát hiện đường biên, cột mốc có dấu hiệu bất thường đều báo ngay cho các chiến sĩ biên phòng kịp thời xử lý”. - Ông Triệu Sáng Thêm chia sẻ.
Cũng như hơn 100 hộ gia đình chủ quản đường biên khi được đến nhận quà từ chương trình Caravan - Hành trình nhân ái 2019, trưởng bản Triệu Sáng Thêm cảm thấy vô cùng xúc động và phấn khởi. Sự quan tâm, chia sẻ của Chương trình với bà con đồng bào khu vực biên giới đã tiếp thêm động lực để bà con tiếp tục phối hợp tốt hơn với cấp ủy, chính quyền và các chiến sĩ bộ đội biên phòng trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc tại địa phương.
Các đại biểu tham dự Chương trình đã tham gia vào nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Trao tặng 105 suất quà cho các hộ tham gia tự quản cột mốc đường biên giới quốc gia; tặng 2 Mái ấm biên cương cho 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trao 30 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập; trao 30 suất quà cho các hộ nghèo tại 3 xã Tú Mịch, Mẫu Sơn và Yên Khoá; trao 36 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Đồn Biên phòng Bắc Xa; tặng quà cho Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma và Đồn Biên phòng Bắc Xa… |
Trao tặng nhà tình nghĩa “Mái ấm biên cương”
Trải qua những cung đường quanh co, khúc khuỷu với núi cao cheo leo, rồi đi bộ qua con đường mòn, đoàn đại biểu Chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái năm 2019” đã đến trao tặng ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình anh Triệu Chằn Pú tại thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn. Đây là một trong số hai gia đình được tặng nhà tình nghĩa “Mái ấm biên cương” trong Chương trình lần này.
Gia đình anh Triệu Chằn Pú là một gia đình chính sách người Dao, bản thân anh là người mù bẩm sinh. Hiện gia đình anh chỉ biết trông vào nghề trồng lúa và cào nhựa thông, nhưng thu nhập rất thấp. Nơi ở của gia đình anh chỉ có cách trung tâm xã mấy cây số, nhưng phải mất gần một tiếng đồng hồ, đoàn đại biểu của Chương trình mới đến nơi.
Mặc dù đã được thông báo trước nhưng hai vợ chồng anh Triệu Chằn Pú vẫn không cầm nổi nước mắt khi nhận bàn giao ngôi nhà tình nghĩa. “Hàng ngày, hai vợ chồng tôi chỉ lo cho hai con ăn học cũng rất vất vả rồi, nên chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ được ở trong một ngôi nhà xây bằng gạch, lợp mái ngói khang trang như thế này”. - Anh Triệu Chằn Pú tâm sự.
Đồng chí Triệu Tiến Hình, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Mẫu Sơn chia sẻ, thu nhập gia đình anh Triệu Chằn Pú cũng như các hộ gia đình trong xã chỉ từ 250.000 - 300.000 đồng/ mỗi tháng. Tổng số hộ nghèo của toàn xã qua đợt rà soát năm 2018 là 120 hộ, chiếm 38,46%; số hộ cận nghèo là 83 hộ, chiếm 26,6%.
Đồng chí Triệu Tiến Hình cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ để bà con trong xã có những con đường liên thôn để việc đi lại đỡ khó khăn, vất vả hơn.
Góp phần giữ yên bình nơi “cửa khẩu gió”
Cửa khẩu Chi Ma những ngày tháng giêng này chỉ có cái lạnh buốt của thời tiết và những cơn gió hun hút thổi. Có lẽ vì thế, Chi Ma được ví như “cửa khẩu gió”. Thế nhưng, giữa cái khắc nghiệt của thời tiết ấy, luôn hiên ngang hình ảnh những người lính biên phòng bồng chắc tay súng, bảo vệ cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Các chiến sỹ đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 16 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc. Khu vực biên giới do đơn vị phụ trách gồm 3 xã: Tú Mịch, Yên Khoái và Mẫu Sơn với 7 bản giáp biên. Đây là khu vực vùng sâu vùng xa, có địa hình hiểm trở của huyện Lộc Bình. Đường đến các mốc giới chủ yếu là đi bộ, luồn rừng, trèo đèo, lội suối và mất cả ngày trời để đi đến các mốc giới. Cửa khẩu Chi Ma cũng là tâm điểm trong những cuộc chiến đấu với hàng lậu qua đường tiểu ngạch. Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Chi Ma vẫn ngày đêm bám chắc địa bàn. Với các anh, đây là niềm vinh dự, tự hào khi được đóng góp sức mình vì sự bình yên trên tuyến biên giới.
Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân nơi đây phát triển kinh tế, xã hội thông qua nhiều việc làm cụ thể như: Trao giống bò cho các hộ nghèo; trong các ngày lễ, Tết thường tổ chức thăm, hỏi, tặng quà, khám sức khỏe miễn phí cho và con dân tộc; tham gia cùng bà con làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ tiền, ngày công xây nhà tình nghĩa cho những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, sự đồng hành với Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và người nghèo khu vực biên giới, góp phần thực hiện tốt các chương trình xã hội từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và từng bước nâng cao đời sống nhân dân biên giới.
Đến với đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma lần này, Chương trình “Hành trình nhân ái năm 2019” hỗ trợ trang thiết bị cho phòng ở của gia đình cán bộ chiến sỹ lên thăm. Thiếu tá Đỗ Đức Hiệu, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma chia sẻ: “Tôi cũng như các chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma rất xúc động trước những tình cảm, những hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa từ các đơn vị, các nhà hảo tâm của Chương trình. Với những người lính làm nhiệm vụ nơi biên ải xa xôi, đây chính là nguồn động viên to lớn để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao, xứng đáng với niềm tin, yêu của nhân dân…”.
Sự chia sẻ, đồng lòng
“Sự chia sẻ, đồng lòng và cùng hướng đến một cộng đồng hòa nhập, chung vui” - đó là những từ ngữ ngắn gọn để miêu tả về chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” 2019 với chủ đề “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” và cũng là thông điệp mà những người tham gia chương trình muốn gửi gắm.
“Trải qua những hoạt động tình nguyện, các đại biểu tham gia Chương trình càng thấm thía hơn những vất vả của những người lính bộ đội Cụ Hồ và những người dân ở vùng biên giới như đường đi lại vất vả, khí hậu khắc nghiệt,… Nhưng họ vẫn luôn giữ vững biên cương để chúng ta được hưởng cuộc sống yên bình. Vẫn cần lắm những tấm lòng, những sự chung tay chia sẻ để vơi bớt những khó khăn của người dân nơi đây, để kết nối vùng sâu, vùng xa gần hơn với đô thị”. - Đồng chí Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội chia sẻ.
Chương trình đã phát huy tinh thần nhân ái, trách nhiệm với xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, tạo môi trường để những người tham dự có cơ hội được chia sẻ tình cảm, vật chất đến những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), qua đó khích lệ tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Đồng chí Mạc Quốc Anh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” sẽ tiếp tục có những hoạt động hướng tới cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Tạm biệt vùng biên Lạng Sơn, ấn tượng sâu đậm nhất đối với những người làm Chương trình chính là sự nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn của các chiến sỹ cũng như bà con nơi đây để giữ vững chủ quyền biên giới, bảo vệ Tổ quốc nơi biên ải. Đây cũng chính là động lực để chương trình “Caravan - Hành trình nhân ái” tiếp tục thực hiện những việc làm có ích hơn nữa cho cộng đồng.
Thu Hằng