Thứ Tư, 27/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 24/3/2019 16:6'(GMT+7)

Ảm đảm thị trường thịt lợn ở Đác Lắc

Ảm đảm thị trường thịt lợn ở Đác Lắc

Các quầy bán thịt lợn ở chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột ế ẩm, thưa vắng người mua.

Sức mua thịt lợn giảm mạnh

Dạo một vòng quanh các chợ ở khu vực thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi nhận thấy khu bán thịt lợn ảm đạm, ế ẩm, trong khi đó tại những khu vực bán cá, thịt bò, thịt gà… người mua, kẻ bán diễn ra khá tấp nập.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, người buôn bán thịt lợn tại chợ đầu mối Tân Hòa, thành phố Buôn Ma thuột chia sẻ: “Thời điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, giá thịt lợn ở mức 120.000 đồng/kg, sau Tết giá giảm xuống 90.000 đồng/kg nhưng kể từ thời điểm rộ lên thông tin lợn bị dịch tả châu Phi thì giá giảm xuống còn 75.000 đến 80.000 đồng/kg. Giá giảm xuống thấp như vậy nhưng vẫn rất ít người mua, trước đây mỗi ngày tôi bán được cả vài trăm ki-lô-gam thịt lợn, còn những ngày gần đây chỉ bán chưa đầy 100 kg”.

Là người buôn bán thịt lợn lâu năm, bà Mỹ cho biết: Những người buôn bán thịt lợn lâu năm như tôi, khi lấy thịt đưa ra chợ bán đều phải lấy từ nguồn bảo đảm, có dấu kiểm dịch của thú y hẳn hoi nên chất lượng và an toàn với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tiểu thương ai cũng cần giữ uy tín cho mình nên rất cẩn trọng trong khâu đầu vào, để khi thịt được đưa ra ngoài chợ phải là loại thịt bảo đảm tươi ngon nhất. Kiểm soát chặt chẽ là thế nhưng kể từ khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều tỉnh đến nay, người tiêu dùng e ngại với thịt lợn khiến sức mua giảm mạnh.

Cùng tâm trạng như trên, bà Hoàng Thị Thu, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Nếu như lợn bị dịch thì cơ quan chức năng đã thu gom, tổ chức tiêu hủy, làm sao thịt bẩn lọt vào lò mổ và các chợ trung tâm được. Vì vậy, người tiêu dùng không nên có tâm lý lo sợ khi mua thịt lợn. Nếu người mua quay lưng với thịt lợn thì không chỉ tội cho người chăn nuôi mà cả người buôn bán thịt lợn như chúng tôi cũng khó khăn lắm!”.

Trái với không khí mua bán tấp nập cách đây một tháng, những ngày gần đây, quầy bán thịt lợn của bà Hoàng Thị Nga ở chợ Tân An, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột luôn trong tình trạng vắng người mua, ế ẩm. Bà Nga cho biết, kể từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đã quay lưng với thịt lợn. Trước đây, mỗi ngày quầy hàng luôn có hàng trăm khách tới mua, sức tiêu thụ luôn từ hai đến hai tạ rưỡi thịt lợn mỗi ngày, nhưng thời điểm này thì chỉ bán được khoảng 50 kg.

Kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam đến nay, đặc biệt là nhiều hình ảnh về sán lợn được chia sẻ trên mạng xã hội facebook khiến việc buôn bán thịt lợn ế ẩm. Thời điểm sau Tết chưa có dịch giá thịt lợn là 90.000 đồng /kg nhưng giờ giảm xuống 70.000-75.000 đồng/kg mà cũng ít người mua”, bà Nga buồn rầu nói.

Với người buôn bán thịt lợn là vậy, còn khi hỏi người dân về mức tiêu thụ thịt lợn trong thời gian gần đây thì đa số đều cho biết hạn chế mua và ăn thịt lợn kể từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở đường Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Dẫu biết dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm sang người, thế nhưng tôi và gia đình vẫn hạn chế ăn những sản phẩm làm từ thịt lợn. Bởi theo tôi, lợn đã nhiễm bệnh thì khi ăn vào không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe”. Không chỉ bà Tâm mà phần lớn người dân khi được chúng tôi hỏi về việc tiêu thụ thịt lợn những ngày gần đây, họ đều cho rằng hạn chế ăn thịt lợn vì dịch bệnh đang hoành hành.

Thực tế các chuyên gia đã khẳng định dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người. Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra. Nếu người dùng không may ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả cũng không ảnh hưởng gì. Vì khi thịt được nấu chín, ăn vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo lắng và có tư tưởng tẩy chay sản phẩm thịt lợn khiến giá thịt lợn giảm mạnh, gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi lẫn người kinh doanh, buôn bán mặt hàng này.

Người tiêu dùng ở Đác Lắc có tâm lý e ngại với thịt lợn trước thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn

Quyền Chi Cục trưởng Chi Cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đác Lắc, Thủy Lệ Vũ cho biết: Tỉnh Đác Lắc có tổng đàn lợn khoảng 750.000 con và hơn 30 cơ sở giết mổ tập trung, mỗi ngày cung cấp cho thị trường các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khoảng 1.000 con, tổng sản lượng khoảng 60 đến 70 tấn thịt. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Đác Lắc chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Các điểm giết mổ gia súc đều được quản lý chặt chẽ. Khi thịt được đưa đến tay người tiêu dùng buộc phải có đóng dấu của cơ quan thú y lên sản phẩm nên sản phẩm thịt lợn vẫn được kiểm soát, người tiêu dùng an tâm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần có những hiểu biết đúng đắn về dịch bệnh, tránh việc tẩy chay sản phẩm thịt lợn gây khó khăn cho người chăn nuôi cũng như hoạt động buôn bán thịt lợn trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Lắc, Vũ Văn Đông cho biết: Hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Tại Đác Lắc, đến thời điểm này chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, nhưng đang xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) tại 8/15 huyện, thị xã, thành phố với 633 con lợn mắc bệnh. Các ngành chức năng đã tiêu hủy 626 con lợn bệnh, và hiện tại bệnh LMLM trên đàn lợn đang có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, Đác Lắc là tỉnh có tổng đàn lợn khá lớn, hoạt động chăn nuôi chủ yếu ở các nông hộ, trang trại nhỏ, trong khi đó công tác vệ sinh chuồng trại chưa được người dân chú ý; việc kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn do lưu lượng vận chuyển lợn và các sản phẩm chăn nuôi đi qua địa bàn rất lớn. Chính vì vậy, nguy cơ xâm nhiễm và bùng phát dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn trong thời gian tới là rất cao.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn và dịch LMLM trên đàn lợn đang bùng phát tại một số địa phương trong tỉnh, mới đây UBND tỉnh Đác Lắc đã tổ chức Hội nghị triển khai cấp bách các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và bệnh LMLM trên địa bàn.

Tại hội nghị này, Chi cục trưởng Chi cục thú y vùng V, Lê Chí Kiên lưu ý, dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan rất nhanh do virus gây bệnh có sức đề kháng mạnh, có thể lây lan thông qua các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi… Do đó, công tác ngăn ngừa, phòng chống cần phải thực hiện ngay từ lúc này một cách nghiêm túc. Khi không may xảy ra dịch thì tập trung dập dịch, ngăn chặn các nguồn bệnh để tránh lây lan trên diện rộng.

Cũng tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc, Y Giang Gry Niê Knơng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung mọi nguồn lực và triển khai khẩn cấp các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn; chủ động nguồn kinh phí hỗ trợ tiêu độc khử trùng các vùng đang xảy ra dịch LMLM. Đặc biệt, Sở NN&PTNT tỉnh phải theo dõi chặt chẽ dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh, nhất là các tỉnh lân cận để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; triển khai các biện pháp cấp bách dập tắt dịch LMLM trên địa bàn; tăng cường năng lực chẩn đoán, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả nhất… nhằm bảo vệ đàn lợn hiện có trên địa bàn, đồng thời giúp người tiêu dùng an tâm, không quay lưng lại với các sản phẩm từ thịt lợn, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi và người kinh doanh, mua bán thịt lợn trên địa bàn.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN HOÀI BÃO/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất