Thứ Tư, 27/11/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 31/7/2014 15:9'(GMT+7)

Amiăng gây ung thư ở người

Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đã đưa ra thông tin khẳng định tất cả các loại Amiăng, kể cả Amiăng trắng (Chrysotile) là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, kể từ năm 1973, cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012 đã kết luận sau khi rà soát hàng trăm nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí quốc tế như sau: “Mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc  hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại Amiăng, bao gồm cả Amiăng trắng, đều gây ung thư” và “không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư. Các nước Mỹ, Đức, Úc và Liên minh châu Âu đều khẳng định tất cả các loại Amiăng bao gồm cả Amiăng trắng là chất gây ung thư ở người.

Tác hại của Amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi Amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với Amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc từ rất lâu (từ 20-30 năm) nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.

Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất ước tính gây ra ½ số ca tử vọng do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Ước tính mỗi năm có 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu phải sống chung với khuyết tật do Amiăng gây ra.  Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thu trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng cũng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thu trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng Amiăng trong quá khứ.

Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng cho biết, Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi Amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi  chủ yếu trong quy trình sản xuất như xé bao, nghiền, trộng, khoan, nổ mìn… hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa Amiăng, sử dụng các vật liệu Amiăng để làm đường, đổ móng làm nhà…


Ngày 17-7-2014, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Y tế thế giới tổ chức Hội thảo về Amiăng và sức khỏe với sự tham gia của các chuyên gia y tế, các nhà khoa học, các đại biểu quốc hội, đại diện các bộ ngành. Hội thảo đã thống nhất một số điểm:

-          Khẳng định tất cả các dạng Amiăng gây ung thư và không có ngưỡng an toàn nào cho việc sử dụng Amiăng, kể cả Amiăng trắng.

-          Càng tăng việc sử dụng Amiăng thì càng làm tỷ lệ ung thư gia tăng. Ung thư trung biểu mô là một ung thư đặc hiệu do Amiăng gây ra. Chi phí dành cho bệnh ung thư do Amiăng vượt quá giá trị kinh tế của Amiăng.

-          Amiăng không những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người lao động mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng do việc xử lý vật liệu phế thải Amiăng còn hạn chế.

-          Việc phổ biến tuyên truyền tác hại của Amiăng còn rất hạn chế. Do vậy, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đặc biệt với người sản xuất vật liệu có chứa Amiăng, người lao động và người dân đang sử dụng sản phẩm chứa Amiăng.

-          Chính vì các tác hại nêu trên, các đại biểu đã đề nghị đưa Amiăng vào trong danh mục Phụ lục hóa chất độc hại của Công ước Rotterdam vào năm 2015. WHO và ILO đều kêu gọi các quốc gia thành viên cấm sử dụng Amiăng trắng. Là nước thành viên, Việt Nam cần có những quyết định phù hợp nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động và đặc biệt sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.

 
 
TG
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất