Quốc hội Ấn Độ mới đây thông qua dự luật Luật “Quyền được hưởng nền giáo dục bắt buộc và miễn phí”, theo đó bắt buộc các bang phải bảo đảm giáo dục phổ thông miễn phí cho trẻ em từ 6 đến 14 tuổi. Đây được xem như một sự kiện lịch sử là vì kể từ khi Ấn Độ giành độc lập (năm 1947) đến nay, đây là lần đầu tiên tất cả trẻ em không phân biệt giàu nghèo đều được quyền cắp sách đến trường.
Theo thống kê, đất nước đông dân thứ hai trên thế giới hiện có 70 triệu trẻ em không được đi học và hơn 1/3 dân số (hơn 300 triệu người) mù chữ do sống dưới mức nghèo khổ. Trong khi đó, ngân sách cho giáo dục chưa bao giờ vượt quá 3,4% GDP nên bấy lâu giáo dục trở thành mảnh đất màu mỡ của khu vực tư nhân. Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết, học phí mỗi năm tại trường tư thục trung bình khoảng 35.000 ru-pi/trẻ. Đó là chưa kể gia đình phải chi thêm các khoản như chi phí đi lại, tiền cơm trưa, giày dép, đồng phục, sách vở... bình quân mỗi năm khoảng 30.000-35.000 ru-pi. Với chi phí đắt đỏ như vậy, giáo dục chỉ dành cho tầng lớp khá giả.
Giới chuyên gia hi vọng, với Luật Giáo dục mới, trẻ em Ấn Độ được hưởng nền giáo dục bắt buộc và miễn phí cho tới năm lớp 8. Luật đề ra việc xây mới hệ thống trường công, đồng thời bắt buộc tất cả trường tư dành 25% chỉ tiêu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Để thực thi Luật có hiệu quả, ước tính Ấn Độ phải chi khoảng 2.280 tỉ ru-pi (835 nghìn tỉ đồng) trong 7 năm tới.
Mặc dù được đánh giá cao nhưng theo một số chuyên gia, luật cải cách giáo dục của Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế khi không bao quát trẻ em dưới 6 tuổi vì thế không nhận thấy tầm quan trọng những năm đầu phát triển của trẻ. Đồng thời, các điều khoản của luật chưa chú trọng cải thiện tình trạng mất cân đối giữa hệ thống giáo dục công lập và tư thục, cũng như không bảo đảm sự bình đẳng trong đối xử dành cho 25% học sinh nghèo học ở trường dân lập./.
(Theo: QĐND)