Đồng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Văn Nưng và TS. Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Báo cáo tại Hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lê Văn Phước nêu rõ: Qua hơn 05 năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng ở các sở, ban, ngành, tỉnh và các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và 10 năm Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Hầu hết cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong toàn tỉnh nhận thức rõ về vai trò, vị trí, ý nghĩa của giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Từ đó, đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là dành nguồn lực phù hợp với khả năng của tỉnh để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, góp phần phát triển nhanh nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương đã thể hiện quyết tâm đổi mới, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học; đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo ở các bậc học; tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia đứng tốp 10 cả nước và đứng đầu Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm liền. Mạng lưới, quy mô phát triển ở tất cả các bậc học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, phủ khắp các xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội. Tỷ lệ trẻ đi học trong độ tuổi các cấp học đều tăng theo mỗi năm, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và nâng tỷ lệ đạt chuẩn theo hằng năm. Quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực. Công tác xã hội hóa giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài tiếp tục được đẩy mạnh, đây là một trong những điểm sáng của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng xã hội học tập cũng như tạo điều kiện cho nhiều học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường...
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần có giải pháp tháo gỡ, đó là: Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, có lúc chưa thường xuyên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có mặt chưa mang lại hiệu quả. Cơ cấu đội ngũ nhà giáo có nơi chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ, nhất là giáo viên bậc mầm non. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng có có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia có nâng lên nhưng chưa đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
NHỮNG GIẢI PHÁP TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ
Phát biểu trao đổi tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, 5 năm thực Chương trình hành động số 05-CTr/TU của Tỉnh ủy và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 -CT/TW của Bộ Chính trị, sự nghiệp giáo dục và đào tạo An Giang đạt nhiều thành quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả về giáo dục ở các bậc học. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tốt nghiệp trung học vượt chỉ tiêu hằng năm. 05 năm liền, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đứng tốp 3-5 cả nước và đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nêu lên những dự báo, sự trăn trở khi ngành giáo dục An Giang nói riêng tiếp tục đối mặt trước những khó khăn, thách thức trước bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả giáo dục và sức khỏe của các cháu học sinh không đảm bảo…Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị ngành GD&ĐT cần xây dựng chương trình, kế hoạch với hệ thống giải pháp phù hợp, khả thi để giữ vững chất lượng dạy và học, hạn chế học sinh bỏ học và toàn ngành phải quyết tâm cao để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ “trồng người” mà Đảng, Nhà nước giao.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, TS.Lê Hồng Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng nêu rõ, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh An Giang cùng cả nước đang đối diện với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Mặc dù năm học mới đã bắt đầu được 2 tháng nhưng các thầy cô giáo và các em học sinh không thể đến trường, phải học gián tiếp với rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Bí Thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang ghi nhận, biểu dương tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh; trân trọng biểu dương những đóng góp to lớn của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục; đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được nhiều thành tích trong thời gian qua. Nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang gửi đến quý thầy cô giáo, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ngành Giáo dục: lời chào thân ái, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và toàn ngành giáo dục trong tỉnh tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa ngành giáo dục với Mặt trận, đoàn thể các cấp và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản giáo dục – đào tạo và phổ cập giáo dục.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo, nhất là những quan điểm mới về giáo dục được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Xem trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, sinh viên. Quan tâm tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, nhằm lan tỏa những điều tích cực, qua đó đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục giai đoạn 2021-2025.
Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Tăng cường giáo dục chính trị, ý thức công dân, lịch sử dân tộc; giáo dục lịch sử cách mạng địa phương, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa đặc trưng và con người An Giang theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng tốt đẹp, gắn với tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Đoàn - Hội - Đội tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh, sinh viên.
Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bảo đảm đủ giáo viên cho từng cấp học, môn học để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Thực hiện nghiêm túc có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; gắn kết quả đánh giá hằng năm với việc phân công, sắp xếp, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Năm là, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xoá mù chữ. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo.
Triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đảm bảo hiệu quả, thực chất, bền vững. Phấn đấu đưa chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2021-2025.
Sáu là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Ưu tiên nguồn tài chính cho giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Tăng cường xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục, đào tạo, các cấp ủy đảng cần quan tâm do ngân sách còn khó khăn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục và hiệu trưởng trong xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Phát triển mạnh mẽ hơn nữa quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ học sinh, sinh viên.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang bày tỏ sự tin tưởng với trí tuệ, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, viên chức và các thầy cô giáo, sẽ là nền tảng quan trọng để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những chủ nhân tương lai, kế tục sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển tỉnh An Giang – quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng giàu đẹp - văn minh.
Nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen và tiền thưởng cho 22 tập thể và 30 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và phổ cập giáo dục.
Trường Giang
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang