Thứ Ba, 17/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 31/5/2014 20:2'(GMT+7)

Ăn miếng, trả miếng

Những quân nhân Trung Quốc bị Mỹ truy tố tội làm gián điệp mạng. (Nguồn: BBC)

Những quân nhân Trung Quốc bị Mỹ truy tố tội làm gián điệp mạng. (Nguồn: BBC)

Trừng phạt

Theo bản cáo trạng do Tổng chưởng lý Mỹ Ê-rích Hâu-đơ  (Eric Holder) thông báo ngày 19/5 vừa qua, các tin tặc của quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào các công ty lớn của Mỹ với âm mưu đánh cắp thông tin hữu ích cho các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, trong đó có các công ty quốc doanh. Trong 6 công ty của Mỹ là nạn nhân của các vụ tấn công mạng của Trung Quốc có Tập đoàn thép Mỹ, Tập đoàn sản xuất và kinh doanh nhôm Alcoa Inc, Công ty công nghệ Allegheny và một nghiệp đoàn. Được biết, 5 quân nhân bị kết tội thuộc Đơn vị 61398, Cục 3 của quân đội Trung Quốc có trụ sở tại thành phố Thượng Hải và mỗi tội danh được nêu trong cáo trạng đều phải nhận từ 5 đến 10 năm tù theo luật pháp Mỹ.

Đứng trước tình hình này, ngày 25/5, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Oa-sinh-tơn đang cân nhắc sử dụng các quy định về hạn chế cấp thị thực nhập cảnh để ngăn cản các công dân Trung Quốc đến Mỹ tham dự các hội nghị tin học nổi tiếng diễn ra tại Lát Vê-gát trong mùa hè này. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Mỹ ngăn chặn các hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc. Theo nguồn tin trên, Oa-sinh-tơn có thể sử dụng các hạn chế về visa và những biện pháp khác để ngăn cản công dân Trung Quốc tham dự Def Con và Black Hat, hai hội nghị thường niên thảo luận về bảo mật và an toàn thông tin quy tụ hàng nghìn hacker từ khắp thế giới diễn ra vào tháng 8 tại thành phố Lát Vê-gát.

Việc hạn chế công dân Trung Quốc đến Def Con và Black Hat được xem là hành động nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc sau khi hai nước rơi vào cuộc chiến ngoại giao liên quan đến việc cáo buộc lẫn nhau do thám mạng. Trước đó, hàng chục công dân Trung Quốc đã bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh đến Mỹ tham dự một hội nghị về mạng và không gian diễn ra trong tuần này tại Cô-lô-ra-đô với sự tham dự của các diễn giả nổi tiếng như Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Giêm Cláp-pơ (James Clapper) và nhiều quan chức cấp cao khác trong giới tình báo và quân sự.

Trả đũa

Ngay sau khi Nhà Trắng thông báo cáo trạng buộc tội 5 quân nhân Trung Quốc, Bắc Kinh đã có một loạt phản ứng mạnh mẽ. Ngay trong ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để đòi hỏi sự giải thích. Tiếp đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng thông báo, nước này đã quyết định ngừng các hoạt động hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Nhóm Công tác mạng Trung-Mỹ để phản đối Oa-sinh-tơn cáo buộc các quân nhân quân đội Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại của các công ty lớn của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Oa-sinh-tơn rút lại lời buộc tội nói trên; đồng thời ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng hệ điều hành Windows 8 mới nhất của Tập đoàn Microsoft. Đây được cho là một cú đánh mạnh vào hãng sản xuất phần mềm hàng đầu của Mỹ đang có sản phẩm bán tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Không dừng lại ở đó, ngày 29/5, Bắc Kinh lên tiếng cho rằng Chính phủ Mỹ ngụy tạo bằng chứng được sử dụng để cáo buộc 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc là tin tặc, đồng thời yêu cầu Mỹ "tự xét lại" các hoạt động do thám mạng của Oa-sinh-tơn mà cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden) tiết lộ hồi năm ngoái.

Vụ việc càng trở nên căng thẳng khi Phó tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc đã gọi Mỹ là tin tặc hàng đầu thế giới, đồng thời cho rằng lực lượng gián điệp mạng của Mỹ phải bị các quốc gia khác kết tội. Theo Tân Hoa xã, phát biểu bên lề một cuộc hội thảo an ninh quốc tế, ông Tôn Kiến Quốc nói: "Xét cả về bí mật tình báo quân sự-chính trị và bí mật thương mại, Mỹ là tin tặc số 1 thế giới và lực lượng gián điệp nước này phải bị kết tội. Thật lố bịch khi Mỹ cho rằng gián điệp mạng nhằm vào lĩnh vực tình báo chính trị và quân sự là hành động bình thường, trong khi kẻ đánh cắp bí mật thương mại lại là phạm pháp. Chừng nào an ninh của một nước bị lo ngại, chẳng nhẽ tình báo chính trị-quân sự lại không quan trọng hơn bí mật thương mại?".

Ngay lập tức, kế sách “ăn miếng, trả miếng” đã được Trung Quốc áp dụng đối với một vài công ty Mỹ. Trang báo mạng Financial Times của Anh dẫn nguồn tin gần gũi với giới quan chức Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các doanh nghiệp nhà nước cắt đứt quan hệ với McKinsey & Company, Boston Consulting Group và các công ty tư vấn khác của Mỹ, bởi vì họ lo lắng việc bị rò rỉ thông tin kinh doanh bí mật cho Chính phủ Mỹ.

Nút thắt trong quan hệ Mỹ-Trung

Mặc dù cam kết xây dựng mối quan hệ Trung-Mỹ kiểu mới và sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trên cơ sở nguyên tắc ngoại giao không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, nhưng hai bên vẫn khó có thể tin tưởng nhau. Nhiều nhận định cho rằng, hầu hết các mạng lưới của Mỹ đều đã từng có dấu ấn của tin tặc Trung Quốc, từ mạng lưới điện quốc gia cho đến tài khoản email của các nhà nghiên cứu Mỹ quan tâm vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Hàng loạt những cáo buộc từ các nhà lập pháp và các công ty an ninh mạng Mỹ đổ dồn về Trung Quốc. Mỹ rất nhiều lần "phàn nàn" về việc quân đội Trung Quốc dùng các kỹ năng chiến tranh mạng để đánh cắp các bí mật thương mại của nước ngoài nhằm giúp cho nền công nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại về những vụ xâm nhập tinh vi nhằm vào bí mật kinh doanh và công nghệ độc quyền cũng như sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, gây ra thiệt hại khổng lồ, ước tính lên tới 300 tỷ USD.

Trong những năm gần đây, Nhà Trắng đã phải mất nhiều thời gian và tâm trí để giải quyết vấn đề nhạy cảm liên quan đến các vụ tấn công mạng liên tiếp bị nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc-một trong những nút thắt trong quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn một mực phủ nhận việc bảo trợ cho các hoạt động tấn công của tội phạm mạng nhằm vào Mỹ, và hết lần này tới lần khác coi Oa-sinh-tơn là thủ phạm chính của gián điệp mạng kể từ sau vụ Ét-uốt Xnâu-đơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Mỹ đưa ra cáo trạng đối với 5 quân nhân Trung Quốc chính là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với Bắc Kinh và có lẽ đã đến lúc, Bắc Kinh nên nhận ra rằng “kẻ cắp” cũng có nguy cơ gặp phải “bà già”./.

Ngọc Thư (QĐND)




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất