Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên cả nước lại bước vào mùa lễ hội. Đây là một trong những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Việt Nam. Lễ hội càng phát triển, mở rộng về quy mô, không gian, thời gian... thì việc bảo đảm an ninh, an toàn lễ hội càng trở nên bức thiết, cần được các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm.
Những vụ việc mất an toàn giao thông, tai nạn do chen lấn, xô đẩy, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...; rồi vấn nạn trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan, chèo kéo, "chặt chém" khách... thường xảy ra ở các mùa lễ hội trước, gây bức xúc cho du khách, mặc dù đã được cảnh báo, chấn chỉnh, song vẫn tái diễn ở khá nhiều lễ hội. Có địa phương nặng về chạy theo phát triển lễ hội, mà xem nhẹ, hoặc không chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng, như công an, giao thông - vận tải, văn hóa - thể thao và du lịch, y tế… trong bảo đảm trật tự giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn nét đẹp văn hóa của lễ hội...
Được biết, Xuân này, ban tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương đã có sự chuẩn bị sớm, có những đổi mới, cải tiến trong tổ chức một số nghi thức tại lễ hội, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng "quá tải", dẫn đến chen lấn, xô đẩy, mất trật tự, văn minh lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân, du khách cũng đã được các ban tổ chức chú trọng, song nỗi lo của người dân, của du khách chưa giảm, vì không gian tổ chức của một số lễ hội chật hẹp, số người đến dự tăng, trong khi hàng quán, các dịch vụ "ăn theo" cũng đua nở.
Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, mỗi năm nước ta có hơn 500 lễ hội lớn, nhỏ. Do điều kiện địa lý, lịch sử và kinh tế, xã hội trước đây, dân số ít, nên các lễ hội có quy mô nhỏ, lượng người đến không nhiều. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu tín ngưỡng, du lịch, vãn cảnh... của người dân tăng, cùng với việc quảng bá lễ hội khá rầm rộ, nên lượng người đến các lễ hội tăng nhiều, dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, chen lấn, tệ nạn xã hội phát sinh...
Để bảo đảm an ninh, an toàn lễ hội, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách, người dân tham gia, chính quyền các địa phương, nhất là những nơi tổ chức lễ hội quy mô lớn, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức; dự kiến, phòng ngừa và có phương án xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, nhất là những biểu hiện lợi dụng lễ hội đông người để ép khách, ép giá, thu lời bất chính, gây mất trật tự công cộng. Cùng với tăng cường quản lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm và tệ nạn xã hội, chính quyền địa phương, ban tổ chức các lễ hội cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân, du khách nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường..., góp phần bảo đảm trật tự, văn minh, an toàn cho chính mình và mọi người trong lễ hội./.
(Hương Hồng Thu/QĐND)