Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 8/7/2013 21:54'(GMT+7)

An toàn vệ sinh thực phẩm: Cần tăng cường giám sát trọng điểm

Dù chỉ là câu nói vui nhưng cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng từ những sự cố về an toàn thực phẩm tác động tới dư luận xã hội, tâm lý người tiêu dùng như thế nào. Tại cuộc họp này, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng yêu cầu các đơn vị họp bàn có các giải pháp đưa ra phải thực sự hiệu quả, tạo chuyển biến trong những tháng cuối năm. 

Nguy cơ từ nhiều hướng 

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, thời gian qua Cục đã giao cho các đơn vị trong hệ thống lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm với rau ngót và mướp đắng tại 7 chợ đầu mối ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả có 7/25 mẫu rau ngót và 2/25 mẫu mướp đắng đều phát hiện mức dư lượng vượt ngưỡng cho phép. 

Cục Bảo vệ thực vật cũng tổng hợp số liệu kiểm tra an toàn thực phẩm của các địa phương, tình hình dịch hại trên rau, quả tươi và kết quả Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trên rau, quả từ năm 2008 đến nay để đánh giá, phân loại các nguy cơ về an toàn thực phẩm. Kết quả phân tích nguy cơ cho thấy, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả. 

Các loại rau có nguy cơ cao như rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu đỗ. Các loại có nguy cơ thấp hơn là rau bí, rau mầm, su su, mồng tơi, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dưa chuột. Đối với các loại quả thì nho quả tươi là loại quả có nguy cơ cao nhất. Các vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả của các tỉnh phía Bắc có nguy cơ cao hơn các tỉnh miền Trung và miền Nam. 

Theo ông Phạm Đồng Quảng, Cục phó Cục Trồng trọt, Hà Nội đã xây dựng 50 quy trình sản xuất với từng cây rau nhưng việc giám sát thực hành đối với nông dân là rất khó, nhất là việc kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bởi lực lượng cán bộ mỏng. 

“Nhiều khi chưa đến ngưỡng nhưng người dân vẫn phun thuốc. Ngoài ra có một xu hướng nguy hiểm là bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, xoài nhìn mẫu mã đẹp nhưng do trẩy non làm ảnh hưởng tới chất lượng và dần mất thị trường,” ông Quảng cảnh báo. 

Đối với những lo ngại của dư luận về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất điều hòa sinh trưởng, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, đối với thuốc bảo vệ thực vật không phải cứ có dư lượng trong nông sản đã là mất an toàn. Hiện EU công bố 30-40% rau, củ quả tươi của họ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 3-4% vượt mức tối đa cho phép.

“Việc vượt mức tối đa cho phép chưa đồng nghĩa với mất an toàn mà mới là nguy cơ bởi việc xác định mức tối đa cho phép là để đảm bảo mức an toàn tối đa, là tiêu chí dùng cho hoạt động thương mại,” ông Hồng trấn an. 

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, trách nhiệm của các đơn vị chức năng là cố gắng đảm bảo kiểm soát dư lượng dưới mức cho phép. 

Giám sát trọng điểm 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kiểm soát an toàn thực phẩm có hai vấn đề liên quan là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Chính trong khâu lưu thông những loại sản phẩm có giá trị cao dễ bị sử dụng bổ sung chất bảo quản. Kiểm tra tuyến biên giới chỉ là bước phòng vệ ban đầu, cần kiểm tra trong suốt quá trình lưu thông. 

“Các nước và ta đều có hệ thống kiểm nghiệm nghiêm túc, vậy tại sao lại phát hiện có hóa chất khi sản phẩm vào trong nước. Ví dụ như khoai tây ở Lâm Đồng, cần phải làm rõ hóa chất bảo quản đó là ở nước ngoài hay khi vào trong nước được bổ sung. Đấy mới là vấn đề chính, như vậy cần phải xem xét lại quy trình sản xuất có vấn đề gì không, phải xác định được trọng điểm để tổ chức giám sát”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp nhìn nhận, việc kiểm tra giám sát chất lượng ở các địa phương hiện vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa đủ “tự tin” để công bố tên các đơn vị vi phạm nên dẫn đến việc chuyển biến còn chậm. Các mặt hàng nông, thủy sản đang không có phân hạng về chất lượng, không xây dựng được thương hiệu. 

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, an toàn thực phẩm là cái lõi nhưng chất lượng cũng rất quan trọng trong việc có chiếm lĩnh được thị trường hay không.

Trong những tháng cuối năm 2013, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị một mặt triển khai nhóm giải pháp xây dựng, phổ biến các văn bản pháp quy; kiểm tra giám sát và xử lý các sự cố, đồng thời tăng cường năng lực toàn hệ thống. Trước mắt từ nay tới cuối năm, chọn một số mặt hàng vật tư nông nghiệp cụ thể thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vi sinh, lò giết mổ để làm dứt điểm. 

Về an toàn thực phẩm, theo Bộ trưởng cần có cách quản lý khác bởi không thể kiểm tra hết được 10 triệu hộ nông dân. Trong đó, cần đánh giá nguy cơ cao đối với sản phẩm để tập trung giám sát. Cụ thể, đối với trồng trọt, sản phẩm có nguy cơ cao là rau ăn lá và trái cây, khâu có nguy cơ cao là bảo quản, cần có sự chấn chỉnh về hành lang pháp lý, phải đưa rõ chế phẩm nào cấm, những thứ gì được dùng không nguy hại để thông báo cho người dân, người tiêu dùng và người sản xuất biết. Đối với chăn nuôi, nhức nhối nhất là khâu giết mổ, phải đề xuất chấn chỉnh một bước vấn đề này, cùng với đó không buông lỏng việc quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

“Chỉ khi nào phân loại, đánh giá được nhóm nguy cơ mới triển khai được việc giám sát theo chuỗi. Đến cuối năm, các đơn vị phải lên danh sách đánh giá nguy cơ đối với từng nước, vùng, sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu thường xuyên có vấn đề để gia tăng giám sát. Cần làm có hệ thống để tìm ra trọng tâm, trọng điểm chứ không thể dàn hàng ngang được,” Bộ trưởng nhấn mạnh./. 

Theo Hoàng Tùng (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất