Một trong những vấn đề được quan tâm đó là việc tận dụng các công trình sau mỗi
sự kiện thể thao lớn làm sao cho không lãng phí.
Trong chuyến thăm của Quốc vụ khanh Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh Lord
Green tới Việt Nam, ông và đoàn công tác đã có buổi toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm
của nước Anh trong việc tổ chức thành công Olympic London 2012 và Paralympic
London 2012. Đây thật sự là một kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam nhất là trong
lúc chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm
2019.
Tại
cuộc toạ đàm được tổ chức tại Bộ VH-TT&DL chiều 12/6, ông Hoàng Vĩnh Giang,
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam đã trình bày kế hoạch tổ
chức ASIAD 2019. Theo đó, đây là một sự kiện thể thao lớn nhất diễn ra tại Việt
Nam từ trước tới nay với sự tham dự của khoảng 12.000 VĐV, HLV từ 45 quốc gia và
vùng lãnh thổ thi đấu tại 36 môn.
Ông Giang cũng giới thiệu sơ bộ hệ thống cơ sở vật chất hiện tại của Việt Nam
để phục vụ cho ASIAD. Theo đó, 70% các công trình đã được xây dựng, số còn lại
sẽ hoàn thành trước năm 2019. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các khu thể
thao để phục vụ đại hội như sân bóng chày, sân đua xe đạp lòng chảo, nhà thi đấu
đa năng 10.000 chỗ ngồi và các sân Tennis đủ tiêu chuẩn… Ngoài ra các công trình
phụ trợ khác như đường cao tốc trên cao, nâng cấp sân bay và đặc biệt là làng
VĐV tại Đặng Xá II, Gia Lâm với diện tích 39ha đã được lên kế hoạch triển
khai.
Tiếp đó, đạ diện các doanh nghiệp của Anh đã chia
sẻ kinh nghiệm về công tác triển khai thiết kế, xây dựng SVĐ và kiện toàn cơ sở
vật chất.
Một vấn đề được phía Anh đưa ra rất được phía
Việt Nam quan tâm đó là làm sao để tận dụng được các công trình hậu ASIAD. Tại
London 2012, Anh quốc đã làm rất tốt vấn đề này và các công trình phục vụ cho
Olympic London 2012 trở thành “di sản cho đời sau”.
Phía Anh cũng đề nghị Việt Nam nên thành lập một
tổ chức có quyền quyết định toàn bộ các kế hoạch cũng như các vấn đề phát sinh
trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2019. Có như vậy, công tác chuẩn bị sẽ được
trơn tru và hiệu quả hơn rất nhiều.
Tại buổi làm việc, ngài Lord Green cho biết, qúa
trình chuẩn bị cho Olympic là lâu dài và vất vả và ASIAD cũng như vậy. Vì thế,
nước Anh sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về chuẩn bị kỹ thuật, quản lý, vận
hành giao thông… với hy vọng ASIAD 2019 sẽ thành công về mọi mặt.
Thay mặt
cho Bộ VH – TT & DL, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao những chia sẻ của
các chuyên gia, doanh nghiệp Anh quốc đối với Việt Nam trong công tác tổ chức
một sự kiện thể thao mang tầm quốc tế như Olympic. Ông Hải đề nghị các cơ quan
liên quan của mỗi bên tích cực trao đổi, hợp tác nhằm đưa ra một chương trình cụ
thể hướng tới việc tổ chức thành công ASIAD trong tương lai./.
Bên lề buổi toạ đàm, trao đổi với PV VOV online về
công tác chuẩn bị của Việt Nam cho ASIAD 2019, ông Hoàng Vĩnh Giang cho
biết: "Việt Nam trước đây đã từng tổ chức SEA Games,
Indoor Games được đánh giá là tốt nhưng ASIAD lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Nó không nhỏ một chút nào và là một công việc cực kỳ khó đối với Việt Nam. Tầm
của ASIAD không bằng Olympic nhưng khối lượng công việc thì không kém chút nào
bởi vì Olympic có vòng loại, VĐV đến thi đấu phải có hạng và có khoảng 10 – 11
nghìn VĐV. Nhưng ASIAD 2019 có thể lên tới con số 12 nghìn VĐV bởi đại hội
không phải tổ chức 28 môn như Olympic mà là 36 môn thi.
Rất nhiều kỳ Olympic hay ASIAD để lại những di
sản rất khó xử lý. Ví dụ như Bắc Kinh 2008, SVĐ Tổ Chim hiện tại không được sử
dụng nhiều, chủ yếu để thăm quan du lịch. Việt Nam sẽ không mắc phải vấn đề đó,
chúng ta sẽ học tập nước Anh, London vừa rồi xử lý rất tốt vấn đề sự dụng lại
các công trình hậu Olympic"./.
Theo VOVnews