Chủ Nhật, 17/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 28/5/2013 19:24'(GMT+7)

Ảnh hưởng của xu thế văn hoá thế giới trong định hình chính sách và quản lý văn hoá

Ngày 28/5, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo sự ảnh hưởng của xu thế văn hoá thế giới trong định hình chính sách và quản lý văn hoá. Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn dự và chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng, các phong cách mới có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hoá, văn nghệ nước nhà, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách gay gắt.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng cho biết, trước những trào lưu, ảnh hưởng của văn hoá thế giới đến Việt Nam, thường xuất hiện quan điểm, giải pháp “đóng cửa” hay “mở cửa”, “tiếp nhận” hay “không tiếp nhận” và thực tế là cánh cửa luôn được dè dặt mở ra, rồi khép lại rất thận trọng với văn hoá bên ngoài. Bắt đầu vào đổi mới, đi cùng những làn sóng của kinh tế, là văn hoá quốc tế qua mọi nẻo đường tác động trực tiếp đến văn hoá Việt Nam, từ miền xuôi, đến miền ngược, trong từng nhà, từng người, thấm từ bộ phim, bài hát, đến thời trang, ngôn ngữ, cử chỉ... thậm chí có lúc, có nơi nó đã trở thành làn sóng, là “phong cách”, là “giấc mơ”, là “thần tượng” với một bộ phận trong giới trẻ. Trong khi những giá trị đạo đức, lối sống truyền thống chưa kịp thích ứng với cái mới, những giá trị mới của cuộc sống chưa kịp hình thành dẫn hướng đời sống văn hoá, thì những tác động của văn hoá thế giới đã nhanh chóng làm nhiều người trong chúng ta đón nhận một cách không có giới hạn. Lịch sử dân tộc đã cho thấy, đất nước ta bang giao và chịu sự tác động của nước ngoài từ rất sớm, trước những cường quốc, chúng ta chưa từng bị thôn tính về văn hoá. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, chúng ta đang đứng trước thử thách rất lớn về văn hoá trước xu thế và những tác động của văn hoá thế giới. Nói như thời buổi đầu đổi mới là làm sao ta “hoà nhập” mà không “hoà tan” đang ngày trở thành thách thức của văn hoá nước nhà.

Đã có 15 tham luận tại Hội thảo và ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo tập trung vào 3 vấn đề. Đó là: Hội nhập và tiếp thu Văn hoá; Ảnh hưởng của xu thế văn hoá thế giới đối với Việt Nam hiện nay; Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý.

Các ý kiến đã khẳng định sau 15 năm thực hiện nghị Quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, với đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, văn hoá Việt Nam có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Sự tác động mạnh mẽ của các xu hướng, các phong cách mới có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hoá, văn nghệ nước nhà. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các làn sóng văn hoá “Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…” đối với văn hoá cũng như con người Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết. Khi những giá trị đạo đức, lối sống truyền thống chưa kịp thích ứng với cái mới, những giá trị mới của cuộc sống chưa kịp hình thành dẫn hướng đời sống văn hoá, thì những tác động của văn hoá thế giới khiến văn hoá Việt Nam đón nhận một cách không có giới hạn. Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu đưa ra giải pháp: Việt Nam cần xây dựng bản sắc văn hoá riêng; Quy hoạch về hạ tầng cơ sở cho hoạt động văn hoá phù hợp với truyền thống văn hoá và hướng phát triển tương lai; đào tạo đội ngũ quản lý có chuyên môn…

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, để tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII sau 15 năm thực hiện một cách đầy đủ, phản ánh được đúng bản chất vấn đề tác động, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế toàn diện đến lĩnh vực văn hoá Việt Nam cần phải được tổng kết, đánh giá và dự báo thật cẩn trọng. Làm tốt việc này sẽ giúp các nhà hoạch định xây dựng được một chính sách văn hoá khoa học, khả khi, vừa gìn giữ được bản sắc văn hoá Việt, vừa tiếp thu có chọn lọc, có liều lượng những tinh hoa của văn hoá thế giới, phù hợp với sự phát triển của nhân loại.15 tham luận tại Hội thảo và ý kiến đóng góp của các đại biểu vừa mang tính khái quát, lý luận vừa có tính thực tiễn sẽ giúp nhận diện phần nào vấn đề được đặt ra trong Hội thảo. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu, tổng hợp để chắt lọc những vấn đề cần thiết vào tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) và kiến nghị với Trung ương.

Hà Tuấn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất