Theo phát ngôn viên Chính phủ Anh, trong cuộc điện đàm
giữa hai nhà lãnh đạo, ông Putin nói rằng "họ không có bằng chứng về việc một
cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học đã xảy ra hay chưa và ai là người chịu trách
nhiệm".
Trong khi đó, ông Cameron cho rằng "gần như không còn nghi ngờ"
gì về khả năng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã tiến hành vụ tấn công
bằng vũ khí hóa học. Thủ tướng Anh hoài nghi phe đối lập Syria có khả năng tiến
hành vụ tấn công như vậy và chỉ ra rằng chính quyền Syria từng phát động cuộc
tấn công quy mô lớn trong khu vực này trước và sau vụ việc này.
Thủ
tướng Cameron cũng nói thêm rằng Damascus "đã ngăn cản LHQ đi vào hiện trường
ngay lập tức, cho thấy họ có gì đó muốn giấu".
Tuy nhiên, hai nhà lãnh
đạo cũng tái khẳng định cam kết tuân thủ thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo G-8 đạt
được hồi tháng 6, theo đó không bên nào được sử dụng vũ khí hóa học và bất cứ
việc sử dụng chúng sẽ gặp phải phản hồi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc
tế.
Cùng ngày, chính phủ Arập Xêút đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp
quốc (HĐBA) hành động chống lại các vụ thảm sát của chính quyền Syria và việc
Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào chính người dân nước
này.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong lúc đang diễn ra các cuộc tham
vấn cấp cao tại thủ đô một số nước phương Tây bàn về phản ứng của cộng đồng quốc
tế đối với vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus hồi
tuần trước.
Quốc vương Arập "hối thúc cộng đồng quốc tế, đại diện là
HĐBA, thể hiện trách nhiệm của mình trước những thảm kịch và các vụ tàn sát kinh
hoàng mà chế độ Syria đã gây ra đối với người dân nước này bằng việc sử dụng các
loại vũ khí bị cấm trên bình diện quốc tế như vũ khí hóa học".
Arập Xêút
công khai ủng hộ cuộc nổi dậy vũ trang chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad./.
(Vietnam+)