Thứ Bảy, 30/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/6/2012 17:5'(GMT+7)

Áp lực lạm phát cho 2013 là rất lớn

Hàng tồn kho tăng là một trong các rào cản cho phát triển nền kinh tế

Hàng tồn kho tăng là một trong các rào cản cho phát triển nền kinh tế

 Tại hội thảo “Thách thức kinh tế vĩ mô, khó khăn thanh khoản của nền kinh tế và giải pháp cho doanh nghiệp” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức, ngày 28/6, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính… trong và ngoài nước đã đánh giá: Trong 6 tháng đầu năm 2012, nền kinh tế Việt Nam mặc dù có tốc độ tăng trưởng chậm nhưng đã và đang dần ổn định. Các vấn đề nóng của nền kinh tế đang dần được giải quyết, đây là những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế và là sự nỗ lực cao độ trong điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, PGS. TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện, cho biết: nền kinh tế đang nổi lên một số khó khăn cần giải quyết. Đó là: Tăng trưởng kinh tế giảm hơn cùng kỳ và mức bình quân 2011, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu kế hoạch. Mục tiêu Quốc hội đề ra tăng trưởng 6-6,5% rất khó khả thi, vì tốc độ GDP 6 tháng đầu năm mởi chí đạt 4,5%, trong khi năm 2011, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 5,89% thì GDP từng quý phải tương ứng là 5,44%; 5,71%; 6,12%; 6,11%. Trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số cũng được chú trọng, thì điều này dường như đặt ra áp lực tăng trưởng rất lớn cho 2 quý tiếp theo (tối thiểu mỗi quý phát đạt trên 6%);

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn: sản xuất thu hẹp, tỷ lệ thua lỗ, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản ngày càng cao; chỉ số sản xuất và tiêu thụ của ngành công nghiệp tăng thấp, chỉ số tồn kho cao;

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ở mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ; Xuất nhập khẩu cũng thay đổi lớn về thị phần với ưu thế vượt trội của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2012 luôn ở mức tăng thấp so với tháng trước đó, trái với dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế từ đầu năm; hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư nước ngoài có hiệu quả thấp nhất;

Tỷ giá biến động trong biên độ hẹp, cơ sở ổn định tỷ giá chưa bền vững và có thể gây suy giảm cho xuất khẩu trong thời gian tới; Lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng còn ở mức rất cao so với mức lợi nhuận bình quân thực tế của doanh nghiệp làm hạn chế khả năng hấp thụ vốn tín dụng của các doanh nghiệp và người vay;

Kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán sụt giảm và “khô cạn”, không “bơm” được vốn tới doanh nghiệp, gây áp lực lớn lên thị trường tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách và Kế hoạch cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước, Kế hoạch thoái vốn của các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Kết quả nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến những thách thức kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần phải vượt qua. Đó là lo ngại về rủi ro chính sách. PGS, TS Đào Văn Hùng cho biết: các nền kinh tế ở trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đều phải đối mặt với thách thức lớn nhất là rủi ro về chính sách, Việt Nam cũng không ngoại lệ.  

Kết quả nghiên cứu các chính sách kinh tế vĩ mô 2002-2012 cho thấy một số chính sách đưa ra nhằm phản ứng, đối phó một cách thụ động với các “cú sốc tiền tệ và tài khóa” phát sinh của nền kinh tế thế giới và Việt Nam. “Tuy giải quyết được mục tiêu ngắn hạn, nhưng trong một số trường hợp lại làm phát sinh những “cú sốc mới” và các “nút thắt cổ chai mới” cho nền kinh tế. Trước khó khăn hiện nay của nền kinh tế, đặc biệt là của các doanh nghiệp, nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự lo ngại Chính phủ sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa”- ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt 6 tháng cuối năm nhưng lại sẽ có thể tạo áp lực lạm phát cho năm tới. Đặc biệt là các nút thắt của nền kinh tế 2012 thể hiện ở chỗ nghẽn mạch tín dụng, đóng băng thị trường bất động sản, hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước và sự gia tăng nhanh chóng nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Trên cơ sở những phân tích trên, nhóm nghiên cứu của Học viện khuyến nghị: muốn tạo sự đột phá và phát triển bền vững, phải xác định rõ “động lực phát triển mới” của nền kinh tế để có chính sách, giải pháp phù hợp. Nguồn gốc phát triển bền vững của nền kinh tế xuất phát từ chính nội lực nền kinh tế đó tạo ra. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đang dựa vào 4 nguồn lực chủ yếu: chi tiêu công; xuất khẩu ròng; đầu tư của các nhà kinh doanh, đầu tư kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân; tiêu dùng của cá nhân trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cần thực hiện một số giải pháp tăng tổng cầu; bãi bỏ chính sách lãi suất trần, giảm lãi suất cho vay khu vực sản xuất kinh doanh; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tới tín dụng; Tạo lập thanh khoản và phục hồi thị trường bất động sản; Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nợ xấu của nền kinh tế./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất