Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính Việt Nam) đánh giá: châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực này đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên (chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu).
Ngày 21/2, tại thành phố Nha Trang, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính phối hợp với Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính Việt Nam) chủ trì Hội thảo “Chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai.”
Tham dự có gần 100 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các quan chức tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm (IDF) và các doanh nghiệp bảo hiểm.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính Việt Nam) đánh giá: châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong vòng 10 năm (2005-2014), khu vực này đã xảy ra 1.625 thảm họa thiên nhiên (chiếm hơn 40% tổng số thảm họa trên toàn cầu).
Gần 500.000 người đã thiệt mạng, 1,4 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên (chiếm 80% những người bị ảnh hưởng trên toàn cầu). Thiệt hại về vật chất trong giai đoạn này lên đến 520 tỷ USD (tương đương 45% tổng thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai gây ra). Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bình quân hàng năm có khoảng 750 người chết do thiên tai, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên thế giới, thiệt hại về kinh tế khoảng gần 1% GDP/năm.
Hội thảo đã đề cập tổng quan về sáng kiến tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai (DRFI) đã triển khai trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thời gian qua, chiến lược tài chính quốc gia ứng phó với rủi ro thiên tai, phát triển cơ sở dữ liệu về tài sản công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các giải pháp tài chính, bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường năng lực giải quyết hậu quả rủi ro thiên tai, giảm thiểu gánh nặng chi ngân sách cũng như rủi ro đối với tài sản nhà nước. Hội thảo hướng tới việc xây dựng Chương trình giải pháp tài chính rủi ro thiên tai, các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai, nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai.
Các nội dung trao đổi chuyên sâu tại hội thảo này sẽ được đúc kết thành báo cáo, đưa ra kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, được tiến hành vào ngày 23 và 24/2 tại thành phố Nha Trang.
Những nội dung quan trọng của hội thảo này sẽ là cơ sở để xây dựng kế hoạch triển khai cho cả Tiến trình Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017. Theo đó, các sáng kiến, kinh nghiệm chia sẻ về chính sách tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai trong khu vực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, sẽ được ghi nhận và thông qua bởi hội nghị các Bộ trưởng Tài chính Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, diễn ra vào tháng 10/2017./.
TTXVN