Thứ Bảy, 21/12/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 19/2/2017 9:17'(GMT+7)

Hội nghị quan chức cao cấp APEC 2017: Tạo động lực mới, vun đắp tương lai chung

Một hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2017

Một hội thảo trong khuôn khổ Hội nghị APEC 2017

 

 

 

Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM 1) và các cuộc họp liên quan có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho Năm APEC Việt Nam 2017, khởi động công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại TP Đà Nẵng. Đây là lần thứ 2 Việt Nam là chủ nhà tổ chức Hội nghị APEC (lần thứ nhất vào năm 2006).

Theo Ban Thư ký APEC 2017, có khoảng 1.900 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cùng một số tổ chức quốc tế và khu vực tham dự Hội nghị SOM và 56 cuộc họp của 4 ủy ban cùng 34 nhóm công tác chuyên ngành. Các đại biểu tham dự hội nghị lần này sẽ tham luận xung quanh chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Mục đích Hội nghị SOM và các cuộc họp lần này là thảo luận và thông qua các ưu tiên của hợp tác APEC năm 2017. Các thành viên cũng sẽ trao đổi để cụ thể hóa các ưu tiên, chuẩn bị nội dung báo cáo lên các bộ trưởng và trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao. Cuộc họp các ủy ban và các nhóm công tác sẽ xác định những hướng hợp tác lớn trên các lĩnh vực, nổi bật là thương mại và đầu tư, chính sách kinh tế, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, quản lý ngân sách, thảo luận các sáng kiến cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy mở cửa, tạo thuận lợi cho kinh doanh, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, chống tham nhũng và minh bạch hóa, phát triển nguồn nhân lực, thủ tục hải quan, khoa học, công nghệ và đổi mới… 

Trong các cuộc hội thảo ngày đầu tiên của Chương trình Hội nghị APEC 2017, có hội thảo “Tăng cường sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) đồng tổ chức. Phát biểu tại hội thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, Việt Nam coi tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài… Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn đã ngày càng phát huy hiệu quả. Theo ông Sáu, cuộc hội thảo này nhằm giúp các nền kinh tế thành viên có cơ hội thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về những khó khăn thách thức, thực tiễn của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực về tăng cường sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào công tác phòng chống tham nhũng. Kết quả của hội thảo này sẽ là điểm khởi đầu để Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Đảm bảo minh bạch của APEC xây dựng các văn bản mang tính chất định hướng hay cam kết về đảm bảo sự tham gia hiệu quả, an toàn của xã hội vào phòng chống tham nhũng thời gian tới.

Theo nhận định chung, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn, các thành viên APEC đều chia sẻ quyết tâm cùng với chủ nhà Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác APEC, góp phần củng cố tăng trưởng và liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với vai trò của Việt Nam là chủ nhà Năm APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch SOM, chủ trì Hội nghị SOM lần này cũng như các Hội nghị SOM 2 và SOM 3 sẽ lần lượt diễn ra tại Hà Nội và TPHCM vào tháng 5 và tháng 8 năm nay. Nhiều bộ, ngành của Việt Nam cũng sẽ giữ vai trò chủ trì, đồng chủ trì các cuộc họp ủy ban và nhóm công tác của APEC. 

Trong ngày hôm nay 19-2, có 11 hội thảo, cuộc họp và đối thoại trong Chương trình Hội nghị APEC 2017, xung quanh các vấn đề như: sở hữu trí tuệ, phát triển nhân lực, công nghệ số, khai thác gỗ bất hợp pháp…


VĂN NGỌC/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất