(TG) - Nằm trong chuỗi hoạt động Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) và các cuộc họp liên quan thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC 2017), Hội thảo phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đã diễn ra ngày 28/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết: Chúng ta đang ở thời điểm mang tính bước ngoặt khi thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương trải qua những chuyển biến căn bản và nhanh chóng. Các xu hướng đang nổi lên như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có. Cùng với đó, vẫn còn nhiều quan ngại về gia tăng khoảng cách số và nhiều người bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội việc làm, kinh doanh trong kỷ nguyên số. Ngoài ra, nhiều nhân tố khác cản trở phát triển bao trùm của khu vực như dân số già hóa, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thiên tai…
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm nhưng những gì đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân. Điều này xuất phát từ thực tiễn hợp tác APEC về bao trùm còn rải rác và thiếu sự phối hợp thỏa đáng; APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, tăng trưởng không thể bền vững nếu không bảo đảm tính bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Do đó, cần chú trọng đồng đều cả ba trụ cột này. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp. Ngược lại, nếu hiệu quả của một trụ cột được nâng cao sẽ tác động thuận đến hai trụ cột còn lại. Thực tiễn của khu vực cho thấy, chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng đó bền vững thế nào về xã hội, kinh tế và tài chính. Tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm.
Trong Tuyên bố năm 2016, các nhà Lãnh đạo APEC kêu gọi thúc đẩy phát triển bao trùm hiệu quả về kinh tế, tài chính và xã hội đối với phụ nữ, người cao tuổi, thanh niên, các cộng đồng nông thôn cũng như các đối tượng thiệt thòi, dễ tổn thương. Trước những đòi hỏi của thực tiễn, Hội thảo lần này chính là bước đi cụ thể, quan trọng nhằm triển khai chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC về thúc đẩy Chương trình nghị sự APEC về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội.
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, APEC cần có cách tiếp cận chiến lược và toàn diện đối với bao trùm. Một chương trình hành động APEC toàn diện trên ba trụ cột bao trùm sẽ mang lại những giá trị to lớn. Với một khuôn khổ chung như vậy, APEC sẽ có thể xác định được những giải pháp liên ngành nhằm giải quyết vấn đề bao trùm một cách hiệu quả thông qua phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hơn của các nền kinh tế thành viên, nâng cao năng lực thể chế, pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy phát triển bao trùm, đề xuất các biện pháp để quản lý quá trình chuyển đổi.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung trọng tâm chủ yếu như: Những lĩnh vực APEC cần tập trung, có hành động cụ thể để phát triển bao trùm; các mục tiêu và khung thời gian cho Kế hoạch hành động của APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; cách thức phối hợp và thúc đẩy các hoạt động về bao trùm trên cả ba lĩnh vực tại các Ủy ban, Nhóm công tác khác nhau của APEC; thúc đẩy phối hợp giữa APEC với các tổ chức quốc tế và khu vực cũng như với các bên liên quan…
Hiện phát triển bao trùm là một vấn đề ưu tiên của tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Hơn 30 năm đổi mới mang lại cho Việt Nam những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, tuy nhiên đất nước vẫn đang phải đương đầu với sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập. Do đó, Việt Nam đã và đang quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, vì người dân, doanh nghiệp.
Cao Nguyên