Đây là một trong những ngày làm việc sôi động nhất của Hội nghị SOM 1 và
các cuộc họp liên quan, với sự tham dự của 430 đại biểu.
Ngày 23/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị các quan
chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần
thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan kết thúc ngày làm việc thứ
sáu với tổng số 11 hoạt động của 8 ủy ban, nhóm công tác trong các lĩnh
vực Thương mại và Đầu tư (CTI), Chính sách và luật cạnh tranh (CPLG),
Thủ tục hải quan (SCCP), Dịch vụ (GOS), Đầu tư (IEG), Du lịch (TWG), Y
tế (HWG), Điều phối về thương mại điện tử (ECSG).
Đây là một trong những ngày làm việc sôi động nhất của Hội nghị SOM 1 và
các cuộc họp liên quan, với sự tham dự của 430 đại biểu.
Phát triển kinh tế khu vực thông qua du lịch bền vững
Nhóm Du lịch đã tiến hành đồng thời hai hoạt động gồm Phiên họp Ban điều
hành của nhóm và Hội thảo về du lịch bền vững. Phiên họp Ban điều hành
đã tập trung thảo luận về định hướng và các biện pháp thúc đẩy phát
triển kinh tế khu vực thông qua du lịch bền vững trong tình hình hiện
nay.
Trong khi đó, tại phiên khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục
Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành điểm
đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài khu vực.
Năm 2015, châu Á-Thái Bình Dương đón được trên 396 triệu lượt khách
(chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới), tạo ra 47,9 triệu việc
làm. APEC đặt ra mục tiêu đến năm 2025 đón 800 triệu lượt khách du lịch
quốc tế.
Hội thảo là sáng kiến của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho Hội nghị bàn tròn
chính sách cao cấp về du lịch bền vững, dự kiến tổ chức tại thành phố Hạ
Long vào tháng 6/2017.
Hiện đại hóa ngành công nghiệp hỗ trợ
Hội thảo chính sách Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về
công nghiệp hỗ trợ đã khai mạc ngày 23/2. Đây là hoạt động nhằm triển
khai sáng kiến “Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ APEC” do Việt Nam tham gia
đề xuất và đồng chủ trì cùng một số thành viên APEC với mục tiêu trao
đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiện đại hóa ngành công
nghiệp hỗ trợ của các thành viên.
Trình bày của các chuyên gia trong, ngoài nước cùng những ý kiến thảo
luận và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo là cơ sở thiết thực để xây
dựng Bộ tài liệu các điển hình APEC về công nghiệp hỗ trợ dự kiến được
thông qua trong Năm APEC Việt Nam 2017.
Thúc đẩy thương mại các sản phẩm phát triển nông thôn và giảm nghèo
Cùng ngày, Hội thảo “Xúc tiến thương mại các sản phẩm góp phần vào tăng
trưởng bền vững và bao trùm thông qua phát triển nông thôn và xóa đói
giảm nghèo” đã kết thúc tốt đẹp.
Trên cơ sở thảo luận tại Hội thảo, cùng với nghiên cứu của Cơ quan hỗ
trợ chính sách APEC (PSU) về vấn đề này, các đại biểu đã đưa ra các
khuyến nghị nhằm thúc đẩy thương mại của các sản phẩm đóng góp vào phát
triển nông thôn và giảm nghèo (gọi là các “sản phẩm phát triển”), dự
kiến báo cáo lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC vào
tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Tăng cường hợp tác dịch vụ
Nhóm dịch vụ cũng tiến hành hoạt động đầu tiên trong dịp Hội nghị SOM1
với “Đối thoại công tư về dịch vụ.” Đại diện các nền kinh tế và cộng
đồng doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi những hiểu biết, chia sẻ quan
điểm nhằm tăng cường hợp tác dịch vụ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ các
rào cản chính sách đối với các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực, nhất
là trên ba lĩnh vực phân phối, giao thông vận tải và hậu cần.
Dịch vụ là một trong những trọng tâm hợp tác của APEC thời gian qua.
Nhiều khuôn khổ, định hướng hợp tác dài hạn về dịch vụ đã được các nhà
Lãnh đạo kinh tế APEC thông qua, trong đó có Khuôn khổ hợp tác dịch vụ
năm 2015 và Lộ trình nâng cao năng lực cạnh tranh về dịch vụ năm 2016,
hướng tới thiết lập môi trường dịch vụ cạnh tranh bình đẳng và minh bạch
trong khu vực, đồng thời đạt mục tiêu đến năm 2025 tăng trưởng dịch vụ
của khu vực APEC sẽ vượt mức 6,8%.
Khai mạc cuộc họp Nhóm đầu tư và Nhóm y tế
Ngày 23/2, ngày làm việc đầu tiên, Nhóm y tế đã tập trung rà soát kết
quả đạt được trong năm 2016, nghe trình bày về các ưu tiên hoạt động lớn
trong năm 2017, đồng thời chuẩn bị nội dung cho Đối thoại cao cấp về Y
tế và Kinh tế, dự kiến diễn ra vào tháng Tám tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Nhóm đầu tư đã thảo luận các vấn đề thương mại và đầu tư
thế hệ mới, bao gồm đầu tư bền vững, các nguyên tắc và thực tiễn về đầu
tư bao trùm.
Củng cố hệ thống thương mại đa phương
Tiểu ban thủ tục hải quan đã thống nhất chương trình làm việc của năm
2017. Phiên họp của Tiểu ban kết thúc cùng thời điểm với việc Hiệp định
Thuận lợi hóa thương mại (TFA) trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) chính thức có hiệu lực, sau khi được hai phần ba trong tổng
số 164 thành viên WTO phê chuẩn ngày 22/2.
Thuận lợi hóa thương mại là một trong những nội dung thảo luận chính của
Tiểu ban thủ tục và hải quan và là một trong những nội dung APEC đi đầu
thúc đẩy, đóng góp cụ thể cho việc củng cố hệ thống thương mại đa
phương.
Cuộc họp Nhóm Điều phối về thương mại điện tử về bảo mật dữ liệu cá nhân
và Hội thảo “Kinh tế học trong chính sách cạnh tranh” cũng đã hoàn tất
chương trình nghị sự. Các kết quả sẽ được báo cáo lên cuộc họp toàn thể
của Điều phối về thương mại điện tử và C hính sách và l uật cạnh tranh
vào ngày 24/2.
Song song với các cuộc họp, Ban Thư ký APEC quốc tế đã tổ chức buổi tập
huấn về quản lý dự án. Đây là hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các
thành viên, đặc biệt là các thành viên đang phát triển, được tổ chức
định kỳ trong dịp các hội nghị SOM, qua đó tạo thuận lợi cho các thành
viên tham gia đầy đủ và tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác APEC mang
lại./.
(TTXVN)