(TG) - Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hiện trở thành một trong những cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới.
Tháng 11/1989, APEC được thành lập tại Can-bơ-rơ, theo sáng kiến của Ô-xtrây-li-a, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, trong bối cảnh sự gia tăng của quá trình toàn cầu hoá trên tất cả các lĩnh vực khiến các quốc gia và các khu vực trên thế giới ngày càng tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, dẫn đến có nhu cầu đẩy mạnh và mở rộng sự hợp tác kinh tế với nhau. Ban đầu có 12 thành viên sáng lập, gồm Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Phi-li-pin, Xin-ga-po, Thái-lan và Hoa Kỳ. Sau bốn lần mở rộng thành viên vào các năm 1991 (Trung Quốc, Hồng Công - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc), 1993 (Mê-hi-cô, Pa-pua Niu Ghi-nê), 1994 (Chi-lê) và 1998 (Pê-ru, Nga, Việt Nam), đến nay APEC gồm 21 thành viên.
APEC chiếm tới 40% dân số, 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu, hướng đến xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người, và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững; hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Cơ chế hoạt động của APEC gồm: Hội nghị cấp cao (HNCC), Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế, các HNBT chuyên ngành và Hội nghị quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc gồm bốn Ủy ban, 13 nhóm công tác, một nhóm đặc trách, 22 tiểu ban, nhóm chuyên gia, diễn đàn, đối thoại và đối tác chính sách và Ban Thư ký APEC hoạt động thường trực, trụ sở tại Xin-ga-po.
APEC ngày nay trở thành một trong những cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế thế giới.
Hoạt động hợp tác của APEC đã đạt một số kết quả nổi bật như sau:
Một là, về tự do hóa thương mại và đầu tư. Từ năm 1989 đến năm 2010, mức thuế trung bình giảm từ 16,9% xuống còn 5,8%, thương mại giữa các thành viên tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD; Tổng giá trị thương mại (hàng hóa và dịch vụ) tăng từ 3,1 nghìn tỷ USD năm 1989 lên đến 16,8 nghìn tỷ USD năm 2010; Là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận về Danh mục chung về hàng hóa môi trường với 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào năm 2015; Thúc đẩy hợp tác hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.
Hai là, tạo thuận lợi cho kinh doanh. Chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua hai lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và năm 2010. Các thành viên APEC đang triển khai Kế hoạch hành động về Thuận lợi hóa kinh doanh (mục tiêu đưa hoạt động kinh doanh rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015), Cơ chế một cửa, Kế hoạch hành động Thuận lợi hóa đầu tư APEC, Thẻ đi lại doanh nhân (ABTC), Chiến lược mới về cải cách cơ cấu, mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch kinh doanh vào năm 2015 thông qua cải thiện chuỗi cung ứng...
Ba là, hợp tác kinh tế - kỹ thuật (ECOTECH). Các hoạt động của ECOTECH nhằm xây dựng năng lực và kỹ năng cho các thành viên APEC trên cấp độ cá nhân và thể chế, khuyến khích các nước thành viên tham gia đầy đủ và tích cực vào kinh tế khu vực. Từ năm 1993, khoảng 1.600 dự án đã được triển khai trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết kinh tế khu vực, an ninh con người, cải cách cơ cấu…; Hỗ trợ cho khoảng 150 dự án mỗi năm với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD; Hình thành mạng lưới 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) hoạt động tại mười nền kinh tế thành viên.
APEC có vai trò đi đầu trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu và sẽ tiếp tục là một diễn đàn kinh tế đa phương không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng.
TG