Thứ Bảy, 21/12/2024
Thông tin-Tư liệu
Thứ Ba, 21/2/2017 21:18'(GMT+7)

Việt Nam tích cực triển khai “Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017”

Từ Kế hoạch hành động Cebu đến ưu tiên hợp tác quốc gia APEC 2017

Từ khi được thành lập năm 1989, APEC đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. APEC chiếm tới 59% GDP và 44% thương mại toàn thế giới, với 21 nền kinh tế thành viên nằm hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có các nền kinh tế đầu tàu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản… APEC là một diễn đàn hợp tác lớn, tạo động lực cho phát triển trong khu vực và toàn cầu.

Riêng về lĩnh vực tài chính, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC hội nhập tài chính, minh bạch, bền vững và kết nối, Kế hoạch hành động Cebu đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC thông qua năm 2015 nhằm định hướng dài hạn cho hợp tác tài chính APEC đến năm 2025 bao gồm 4 trụ cột: Thúc đẩy hội nhập tài chính; thúc đẩy minh bạch tài khóa; cải thiện bền vững tài chính; tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng…

Kế hoạch hành động Cebu là một kế hoạch quan trọng, bao trùm lên nhiều lĩnh vực hợp tác tài chính khu vực với định hướng hành động cụ thể.

Về hội nhập tài chính, các nền kinh tế hướng tới tăng cường tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và chuỗi cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm về tài chính toàn diện, phát triển các cơ chế bảo hiểm (bao gồm cả bảo hiểm vi mô) và hỗ trợ tài chính nhằm giúp các nền kinh tế APEC đối phó với các rủi ro thiên tai, giảm gánh nặng tài khoá, tăng cường cơ sở hạ tầng toàn diện cho phát triển đô thị và kết nối khu vực...

Chủ đề năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Các nền kinh tế thành viên đề cao việc tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng, liên kết, nắm bắt kịp thời các cơ hội mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và làn sóng thương mại toàn cầu lần thứ ba. Đáng chú ý, APEC 2017 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược đổi mới “Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC”. Theo đó, Việt Nam sẽ phối hợp triển khai 4 sáng kiến hợp tác tài chính APEC Việt Nam 2017 vừa gắn với ưu tiên quốc gia, vừa thực hiện hiệu quả Chiến lược đổi mới tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, hướng tới lợi ích thiết thực cho toàn khu vực.

Tăng hiệu quả phối hợp thực hiện 4 sáng kiến trụ cột

Trong lĩnh vực tài chính, các trụ cột ưu tiên quốc gia và Kế hoạch hành động Cebu được cụ thể hóa trong kênh hợp tác tài chính APEC bằng 4 sáng kiến: Tài chính cho cơ sở hạ tầng; xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận; tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; tài chính toàn diện.

Trong đó, trụ cột đầu tiên, về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng nhấn mạnh vào vai trò của cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP) khả thi, qua đó thúc đẩy việc phát triển các dự án PPP trong khu vực. Việc ưu tiên hợp tác tìm hiểu về cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP sẽ giúp giải quyết vấn đề then chốt còn tồn tại của các dự án PPP chưa thành công tại Việt Nam.

APEC 2017 tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của các Bộ trưởng Tài chính tăng cường đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, nhất là thu hút các nguồn đầu tư dài hạn cho hạ tầng từ các nhà tài trợ tổ chức trong khu vực, tối đa hoá vai trò PPP thông qua việc đánh giá khung chính sách về, phân tích các thông lệ tốt về chia sẻ rủi ro trong đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, APEC 2017 thảo luận về vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS, các nước APEC tập trung tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực nhằm triển khai các gói hành động “Tiêu chuẩn tối thiểu BEPS của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD”.

BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước, vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không.

Các nước thành viên sẽ tập trung thảo luận về các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS tại APEC, giúp nước chủ nhà và các nền kinh tế đang phát triển học tập kinh nghiệm triển khai công cụ chính sách và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà quản lý thuế của các nền kinh tế phát triển có kinh nghiệm triển khai.

Vấn đề thứ ba mà các nước thành viên thảo luận là tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Trong đó, các nước thành viên sẽ tập trung tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các giải pháp tài chính và bảo hiểm ứng phó với rủi ro thiên tai. Chương trình hành động bao gồm cả việc xây dựng chương trình giải pháp tài chính rủi ro thiên tai và các mô hình đánh giá rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, khi Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới với nhiều nguy cơ chịu tổn thất nghiêm trọng về kinh tế. Rủi ro thiên tai bản chất là nghiêm trọng và không thể đoán trước, do đó việc xây dựng, phát triển các hệ thống giải pháp tài chính mới về quản lý rủi ro và chuyển giao rủi ro thiên tai là rất cần thiết. Trong đó, giải pháp về bảo hiểm là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, giảm nhẹ gánh nặng về ngân sách Nhà nước, chuyển giao rủi ro ra thị trường quốc tế.

Cuối cùng, các nước thành viên cũng thảo luận về tài chính toàn diện, hướng tới thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển tài chính số và các dịch vụ tài chính mới.

Nhu cầu về đa dạng hóa các sản phẩm tài chính vi mô là cần thiết để tăng cường tài chính toàn diện. Đây là nội dung được quan tâm thảo luận tại Diễn đàn APEC để tập trung tìm các giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của các đối tượng hiện chưa được tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thông qua việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số, các phương thức dịch vụ tài chính mới. APEC 2017 cam kết tiếp tục tăng cường tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FBCDM) do Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì diễn ra trong 2 ngày từ 23-24/2 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là hoạt động đầu tiên của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong chuỗi các sự kiện năm APEC 2017 của Việt Nam.

Tại đây, đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và toàn cầu, về nội dung của các chủ đề chính làm trọng tâm hoạt động của tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017, thông qua thời gian biểu, kế hoạch triển khai các chủ đề. Bên lề Hội nghị cũng diễn ra hai hội thảo “Chính sách tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai” và “Kế hoạch hành động BEPS - Kinh nghiệm triển khai tại các nền kinh tế thành viên”./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất