Nhận lời mời của bà Monica Hardy Whaley, Chủ tịch Trung tâm Quốc gia vì
APEC Hoa Kỳ (NCAPEC), Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã đến
dự và phát biểu với tư cách đại diện cho nước chủ trì Diễn đàn Hợp tác
kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 tại phiên thảo luận đặc biệt
trong khuôn khổ hội nghị hàng năm của ban lãnh đạo tổ chức này.
Tại phiên thảo luận, Đại sứ Phạm Quang Vinh giới thiệu về chủ trương của
Việt Nam trong năm chủ trì APEC 2017 và khẳng định Việt Nam luôn đề cao
tầm quan trọng về chiến lược cũng như kinh tế của APEC.
Do đó, việc tổ chức thành công APEC trong năm 2017 sẽ là trọng tâm chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trên cơ sở tham khảo ý kiến với các nền kinh tế thành viên và các doanh
nghiệp, Việt Nam đang xây dựng chủ đề APEC 2017 xoay quanh việc tạo động
lực mới cho kinh tế APEC, có tính tới bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng
trưởng chậm lại.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đang trao đổi với các thành viên APEC về các
trọng tâm sau: tăng cường liên kết kinh tế khu vực và kết nối; bảo đảm
tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, trong đó bao gồm thúc đẩy
các vấn đề “sau biên giới” như cải cách cơ cấu, thuận lợi hoá kinh
doanh; thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp
vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường
năng lực cạnh tranh, sáng tạo trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh
lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá cao vai trò của NCAPEC đối với sự phát
triển và thành công của APEC cũng như đóng góp của NCAPEC đối với việc
tổ chức APEC 2006 và 2017 của Việt Nam.
Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng doanh
nghiệp quốc tế nói chung cũng như NCAPEC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói
riêng trong tất cả các hoạt động của năm APEC 2017.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, cùng Việt
Nam tạo giá trị mới cho APEC, đảm bảo sự phát triển và thành công của
APEC; tham gia tích cực vào các hoạt động đối thoại doanh nghiệp trong
khuôn khổ APEC 2017; chia sẻ những vấn đề quan tâm để đảm bảo APEC đáp
ứng đầy đủ nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng trông đợi Tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ tới dự Hội nghị Cấp cao APEC và thăm Việt Nam vào năm 2017.
Trong phát biểu của mình, đại diện các công ty Hoa Kỳ đều bày tỏ chờ đón
Năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì; cho rằng vị trí địa chiến lược cùng
sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các thể chế hội nhập kinh tế khu
vực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo vị thế
tốt để Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017.
Các công ty Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan tâm đến đánh giá của Việt Nam về ý
nghĩa của TPP đối với các thể chế hội nhập thương mại khu vực khác (như
RCEP) và triển vọng hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình
Dương (FTAAP).
Các doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ đối với một số chủ đề có thể trở thành
trọng tâm của năm APEC 2017 như thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo
và bao trùm; tăng cường kết nối và tự do hóa thương mại khu vực; phát
triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; bảo đảm an ninh lương thực,
thích ứng với biến đổi khí hậu…
Lãnh đạo NCAPEC cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam
tại Hoa Kỳ để quảng bá và đóng góp vào thành công của năm APEC 2017 tại
Việt Nam.
NCAPEC là một hiệp hội có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào tiến trình APEC.
Với ban lãnh đạo gồm 50 công ty lớn, quan tâm tới tăng trưởng và thịnh
vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, NCAPEC thúc đẩy các ưu tiên
chính sách của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận về kinh
tế-thương mại của APEC, đồng thời giữ vai trò Ban thư ký cho các doanh
nghiệp Hoa Kỳ là thành viên của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Phiên họp hẹp năm nay của NCAPEC tập trung trao đổi về triển vọng kinh
tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cơ hội thương mại và đầu tư của khu
vực cũng như những ưu tiên kinh tế của các nước chủ nhà APEC sắp tới.
Tham dự phiên thảo luận còn có đại sứ tại Hoa Kỳ của một số nước chủ nhà
APEC hiện tại và trong những năm tiếp theo như Peru, Papua New Guinea
và New Zealand./.
(TTXVN)