Ngày 20/11, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về các kết quả chính của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị cấp cao liên quan.
- Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN-21 và các hội nghị cấp cao liên quan?
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Từ ngày 18-20/11/2012 tại Phnom Penh đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và một loạt Hội nghị Cấp cao quan trọng khác gồm Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7, các Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Hoa Kỳ.
Bên lề các hội nghị cũng diễn ra Đối thoại toàn cầu ASEAN và cuộc gặp của các nhà lãnh đạo bảy nước thành viên Cấp cao Đông Á tham gia Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Trong bối cảnh khu vực đang có nhiều thuận lợi cho hòa bình và hợp tác phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp, các Hội nghị Cấp cao lần này đã tập trung bàn về những vấn đề ưu tiên và quan trọng nhất của khu vực, nhất là việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực; đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường quan hệ với các Đối tác; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết và kết nối khu vực, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm...
- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả chính của các Hội nghị Cấp cao?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác đã có những cuộc trao đổi sâu sắc, đề ra các định hướng lớn cho hợp tác ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các Đối tác, trong đó nổi lên:
- Thứ nhất, Lãnh đạo các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa hiện thực hóa Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nhằm hoàn thành đúng tiến độ và các chỉ tiêu đề ra trong từng trụ cột Cộng đồng, nhất là trụ cột Kinh tế.
Theo đó, ASEAN cần tập trung thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển ở khu vực, hướng tới đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một không gian sản xuất thống nhất, có sức cạnh tranh cao và ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cũng chỉ đạo việc đẩy mạnh liên kết và kết nối ở khu vực, trước hết là trong ASEAN rồi mở rộng ra khu vực Đông Á. Để góp phần đạt được điều này, cùng với nỗ lực của các chính phủ, cần tăng cường huy động sự đóng góp từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp, cũng như từ các Đối tác và các tổ chức tài chính quốc tế.
- Thứ hai, Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cần tiếp túc phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như trong cấu trúc hợp tác khu vực và định hướng xử lý các vấn đề thuộc quan tâm chung ở khu vực, vì lợi ích chung của hòa bình, hợp tác và phát triển. Do đó, ASEAN cần chủ động xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung và phát huy tác dụng của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực ĐNA không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…
Trong quá trình trao đổi, các nhà lãnh đạo của các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là lợi ích và quan tâm chung của khu vực và tất cả các nước; đồng thời ủng hộ DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 của LHQ.
Đáng chú ý, nhân dịp này, Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC; trong đó nhấn mạnh giá trị quan trọng của DOC và việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy định trong văn kiện này, vì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.
- Thứ ba, ASEAN và các Đối tác đã bàn và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa hai bên, khuyến khích các Đối tác tham gia hợp tác và đóng góp xây dựng vào hợp tác ở khu vực, vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và tăng cường liên kết, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra. Các Đối tác đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng và tăng cường hợp tác trong giải quyết các vấn đề ở khu vực cũng như trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+…
Các Đối tác cũng đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể như Đối tác Hợp tác Biển và Diễn đàn Hợp tác du lịch ASEAN-Trung Quốc; Nhật Bản đề xuất các sáng kiến mới về hợp tác giao thông-vận tải, sử dụng năng lượng xanh, hợp tác lao động; Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 10 triệu USD cho ASEAN thực hiện Sáng kiến liên kết IAI giai đoạn 2013-2017; Ấn Độ đề xuất nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược; Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng ASEAN-Hoa Kỳ (E3), “Đối tác toàn diện về tương lai năng lượng bền vững” và các sáng kiến về hợp tác phát triển Tiểu vùng Mekong…
Các Hội nghị Cấp cao đã thành công tốt đẹp, thông qua nhiều văn bản hợp tác quan trọng của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các Đối tác. Đáng chú ý, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký “Tuyên bố Phnom Penh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN;" thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu;” chính thức công bố lập Viện nghiên cứu Hòa bình-Hòa giải ASEAN (AIPR); ASEAN và các Đối tác liên quan chính thức khởi động đàm phán Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm Tuyên bố DOC; Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Mỹ về thúc đẩy hợp tác giữa hai bên và hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược; Tuyên bố Kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN+3; Tuyên bố Đối tác Kết nối ASEAN+3, Tuyên bố Phnôm Pênh về Sáng kiến Phát triển EAS…
Cũng nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 21, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng Thư ký ASEAN với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013-2017.
- Xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào thành công của các Hội nghị Cấp cao?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao lần này do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tiếp tục phương châm đóng góp "chủ động, tích cực và có trách nhiệm" vào các mục tiêu chung nêu trên và các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực.
Cụ thể là: - Chúng ta luôn coi trọng và tích cực đóng góp vào việc tăng cường vai trò và hợp tác ASEAN, cũng như xây dựng ASEAN đoàn kết, liên kết và vững mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
- Chúng ta đã tích cực đóng góp vào việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết và kết nối khu vực; thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều của khu vực đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; tích cực quảng bá và giáo dục về ASEAN; khuyến khích các Đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng.
- Chúng ta ủng hộ và đề cao việc ASEAN tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong cấu trúc hợp tác khu vực và trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đoàn kết có tiếng nói và xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh và các thách thức đặt ra ở khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục chủ động xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các văn kiện nền tảng của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông…
Chúng ta đồng tình với quan điểm chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải; ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và sớm xây dựng COC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ 1982 (UNCLOS), trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
- Về quan hệ đối ngoại, chúng ta ủng hộ ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các Đối tác, tạo môi trường thuận lợi và tăng cường tranh thủ nguồn lực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; chủ động định hướng hợp tác chung ở khu vực và thúc đẩy các Đối tác tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoa học công nghệ, bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước.
Mặt khác, ASEAN và các Đối tác cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và các thách thức đang nổi lên như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia…; đóng góp vào các mục tiêu chung vì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.
- Bên lề các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc song phương để trao đổi về tăng cường hợp tác cũng như các vấn đề cùng quan tâm.
TH