Hòa cùng không khí ngày hội truyền thống tôn vinh đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác giáo dục của đất nước, ngày 19/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến các vị nguyên lãnh đạo, các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và học viên của Học viện lời chúc tốt đẹp cùng những tình cảm thân thiết.
Qua nghe báo cáo của lãnh đạo Học viện và thường xuyên theo dõi các hoạt động của Học viện, Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy những năm qua, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã từng bước đổi mới trên các mặt hoạt động, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; các chương trình, giáo trình mới và chuyên đề chứa đựng kiến thức cơ bản của lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được coi trọng, phục vụ nhiệm vụ đào tạo của Học viện, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Quan hệ giữa Học viện với các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố gắn bó hơn, quan hệ quốc tế được rộng mở.
Chủ tịch nước cho rằng, có được những kết quả đó là nhờ công sức, trí tuệ, sự làm việc tận tụy với tinh thần trách nhiệm cao của tập thể cán bộ, giảng viên Học viện.
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém,” Chủ tịch nước nhấn mạnh, những năm qua, hàng vạn cán bộ được Học viện đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành, trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp. Đây là đóng góp to lớn, đáng tự hào của Học viện đối với Đảng, với đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày nay, trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa vào năm 2020 và bảo vệ vững chắc độc lập, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp.”
Đặc biệt, là để đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nguyên nhân trực tiếp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trong nhiều giải pháp được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đề ra, có giải pháp “đưa vào nề nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương.”
Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có trách nhiệm lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ do Đại hội Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đề ra. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, vấn đề quan trọng hàng đầu là Học viện phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện, không chạy theo số lượng làm hạ thấp chất lượng, không chạy theo bằng cấp.
Chủ tịch nước nêu rõ, cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Học viện cần phải tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn để vừa phục vụ nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho học viên vừa góp phần cung cấp cơ sở lý luận khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Những năm qua, mặc dù đã được coi trọng và đạt được một số kết quả, nhưng “công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.”
Là một trung tâm nghiên cứu lý luận lớn của Đảng và Nhà nước, có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, Học viện cần quan tâm nhiều hơn, dành công sức nhiều hơn, có nhiều đóng góp hơn nữa trong công tác nghiên cứu lý luận, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng.
Để thực hiện được nhiệm vụ nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, Chủ tịch nước cho rằng điều quan trọng là Học viện phải xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có năng lực, trình độ cao về lý luận, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực là tấm gương cho học viên noi theo.
Bên cạnh những cán bộ giảng dạy, nghiên cứu thuộc biên chế của mình, bằng nhiều hình thức linh hoạt, Học viện cần thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi trên các lĩnh vực tham gia vào việc giảng dạy, nghiên cứu của Học viện.
Học viện cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, quy chế hoạt động của mọi đơn vị, mọi lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch, phát huy cao nhất dân chủ, phát huy trí tuệ, tính tích cực của mỗi cán bộ Học viện và của mỗi học viên; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương để Học viện trở thành môi trường giáo dục mẫu mực.
Chủ tịch nước khẳng định, vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất là phải xây dựng Đảng bộ Học viện thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực và sức chiến đấu cao. Kiên quyết không để có tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và tiêu cực trong đảng viên, cán bộ và học viên của Học viện.
Chủ tịch nước tin tưởng phát huy truyền thống vẻ vang của mình, với sự nỗ lực phấn đấu liên tục của toàn thể đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức, học viên, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho 6 cán bộ Học viện có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu.
Hơn 60 năm qua, cùng với đội ngũ trí thức của cả nước, đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học thuộc nhiều thế hệ của Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Đến nay, toàn Học viện có 1700 cán bộ nghiên cứu, giảng dạy; trong đó có 11 giáo sư, 125 phó giáo sư, 431 tiến sỹ và 900 thạc sỹ.
Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Học viện tập trung đổi mới chất lượng đào tạo, theo hướng chú trọng gắn kết hợp lý giữa đào tạo cơ bản về lý luận chính trị với việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ hệ thống chính trị.
Trong nghiên cứu khoa học, Học viện tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, nhằm làm sáng tỏ những giá trị sức sống và ý nghĩa của Chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về thế giới đương đại và hội nhập; nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề mới trong việc vận dụng Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới đất nước trong điều kiện mới; đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị, tư tưởng./.
(Hoàng Giang/TTXVN)