Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á tạo việc làm cho khoảng 1/3 dân số, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Ngày 11/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Ủy ban các Vấn đề Kinh tế và Tài chính (Ủy ban 2) của Khóa 78 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tiến hành phiên thảo luận chung về đề mục xóa nghèo, phát triển nông nghiệp và an ninh lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại phiên thảo luận, các quốc gia bày tỏ lo ngại về tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng tiếp diễn tại nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Số liệu thống kê cho thấy đến hết năm 2022, khoảng 670 triệu người phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. An ninh lương thực bị đe dọa bởi các tác động hậu đại dịch, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, lạm phát...
Nhiều đại biểu đặt vấn đề cần có các biện pháp toàn diện nhằm nâng cao khả năng chống chịu và tính bền vững của hệ thống lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt tại khu vực nông thôn; kêu gọi các đối tác phát triển, các cơ quan Liên hợp quốc tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp cận tài chính, nâng cao năng lực nhằm đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Phát biểu thay mặt Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại Đông Nam Á, tạo việc làm cho khoảng 1/3 dân số và đóng góp 22% cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP), qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm dinh dưỡng và phát triển bền vững ở khu vực.
Đại sứ khẳng định ASEAN cam kết tăng cường an ninh lương thực khu vực thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất nông nghiệp, bảo đảm chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phản ứng nhanh để có đủ nguồn cung lương thực trong các tình huống khủng hoảng.
ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và cơ quan nghiên cứu liên quan như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WPF), Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA)…, đồng thời phát huy hiệu quả các thành quả đã đạt được và các cơ chế, khuôn khổ hiện có như Kế hoạch Hành động khung ASEAN về Phát triển Nông thôn và Xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, Tầm nhìn Phát triển ASEAN.
Về hướng đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực bền vững, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh 5 giải pháp chính được nêu trong Tuyên bố cấp cao “ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng” (Jakarta, 9/2023) gồm: (i) Thúc đẩy chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư toàn cầu thông qua thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN+1 thế hệ mới; (ii) Đẩy nhanh Chuyển đổi Số, hướng tới Cộng đồng kinh tế số ASEAN 2045; (iii) Tăng cường xây dựng Kinh tế Xanh, hướng tới trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0; (iv) Thúc đẩy kinh tế biển xanh và (v) Thúc đẩy kinh tế sáng tạo và phát triển kinh tế bao trùm.
Cùng ngày, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cũng đã có bài phát biểu quốc gia về đề mục này, chia sẻ một số thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp-nông thôn, trong đó có nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống còn 4,3% và xuất khẩu nông sản đạt trên 52 tỷ USD trong năm 2022.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các biện pháp giảm thất thoát, lãng phí lương thực, củng cố hệ thống lương thực theo hướng bền vững hơn, cũng như các chính sách hỗ trợ bảo đảm sinh kế và phúc lợi cho người nghèo, đặc biệt là các hộ gia đình ở nông thôn và vùng sâu vùng xa.
Việt Nam quyết tâm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững số 1 và số 2 về xoá đói, giảm nghèo vào năm 2023; đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn liên quan với các nước, đặc biệt thông qua hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên./.
Theo TTXVN