Với xu thế phát triển ưu việt của mình, đến năm 1999, ASEAN đã nhanh
chóng hội tụ đủ 10 thành viên sau khi lần lượt kết nạp thêm Brunei, Việt
Nam, Lào, Myanmar và Campuchia, trong đó Việt Nam gia nhập ASEAN ngày
28/7/1995.
Sau 50 năm phát triển với bao thăng trầm và thách thức, ngày nay, ASEAN
được thế giới nhìn nhận như một tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một
thực thể chính trị-kinh tế gắn kết và năng động góp phần thúc đẩy quá
trình kết nối toàn cầu. ASEAN đã tạo lập được vai trò và vị thế quan
trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương với sức mạnh của
tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Một trong những yếu tố tạo dựng nên hình ảnh và vị thế ngày nay của
ASEAN chính là tinh thần đoàn kết, đề cao đồng thuận, tôn trọng và hỗ
trợ lẫn nhau, cùng quan tâm và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với
lợi ích cộng đồng. Đó là những nguyên tắc nền tảng của ASEAN, cũng
chính là chìa khóa tạo nên uy tín và mức độ tin cậy của ASEAN ngày nay.
Nói đến những thành công trong nửa thế kỷ qua của ASEAN, trước hết phải
kể đến ASEAN là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi
trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì phát triển ở khu vực. Vai trò
quan trọng này được thể hiện sinh động qua nỗ lực to lớn của ASEAN trong
việc đẩy mạnh hợp tác chính trị-an ninh và xây dựng các quy tắc ứng xử,
thông qua đó tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, ngăn ngừa xung
đột giữa các quốc gia ở khu vực.
ASEAN cũng đồng thời tạo dựng được quan hệ hợp tác nhiều mặt với những
đối tác quan trọng trên thế giới, khởi xướng thành công và giữ vai trò
chủ đạo trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là Diễn đàn Khu vực
ASEAN (ARF) - cơ chế khu vực duy nhất để đối thoại và hợp tác về các
vấn đề chính trị-an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Thông qua đó, ASEAN
đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác quan trọng ngoài khu vực Đông
Nam Á tham gia và đóng góp xây dựng vào việc xử lý những thách thức an
ninh chung, góp phần củng cố hòa bình và an ninh ở khu vực.
Có thể dễ dàng nhận thấy, ngày nay nhiều cường quốc lớn trên thế giới đã
quan tâm đặc biệt đến khu vực Đông Nam Á, tạo nên dòng chuyển dịch
địa-chính trị mà ASEAN nằm ở vị trí trung tâm của khu vực đang định
hình. Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) do ASEAN khởi xướng năm 1976,
đến nay đã có tới 35 quốc gia ngoài khu vực ASEAN tham gia. Hiệp ước
chính là nền tảng để ASEAN và các nước cùng nỗ lực thúc đẩy hòa bình và
ổn định cho khu vực thông qua cơ chế đối thoại, sự tôn trọng và hợp tác
giữa các thể chế.
ASEAN có vai trò động lực chính trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết
khu vực ở Đông Á, nhất là về kinh tế-thương mại, thể hiện bằng việc khởi
xướng và làm nòng cốt tạo dựng khuôn khổ phù hợp để thúc đẩy hợp tác
Đông Á thông qua các cơ chế ASEAN và các đối tác, Cấp cao Đông Á (EAS).
Ngoài ra, ASEAN còn là lực lượng sáng lập và đóng vai trò quan trọng
trong các cơ chế hợp tác liên khu vực như Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái
Bình Dương, thúc đẩy RCEP, Hiệp định kinh tế toàn diện giữa ASEAN với
các đối tác lớn ở Đông Bắc Á cũng như thế giới...
Tăng trưởng kinh tế là một trong những thành công của ASEAN, góp phần
tăng thu nhập và sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên, đồng thời
khiến ASEAN đã và đang trở thành một trong những động lực tăng trưởng
toàn cầu. Kinh tế toàn khối tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, kinh tế ASEAN vẫn
được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5%/năm trong thập kỷ tới,
cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Với tổng GDP
năm 2015 đạt 2.430 tỷ USD, ASEAN đã vươn lên là nền kinh tế lớn thứ 6
trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế dự báo vị trí này sẽ được nâng lên
hàng thứ 4 vào năm 2025.
ASEAN cũng đã nhanh chóng trở thành bên tham gia chính vào chuỗi giá trị
toàn cầu, vị thế và vai trò của khu vực trong thương mại toàn cầu ngày
càng được củng cố.
Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình
thành Cộng đồng ASEAN vào thời điểm 31/12/2015 với ba trụ cột gồm Chính
trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội. Dấu mốc này là sự chuyển mình
mang tính bước ngoặt, tạo cho ASEAN những bước phát triển quan trọng
khác.
ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới vững vàng hơn, được nâng cao cả
về hình thức và cấp độ hợp tác, là sự chuẩn bị nền tảng và khuôn khổ cho
ASEAN xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN gắn kết về chính trị,
liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định ASEAN sau 2015 là một cộng
đồng lấy con người làm trọng tâm, cộng đồng phát triển bền vững, một
cộng đồng dựa trên luật lệ, có đủ năng lực tận dụng được những cơ hội
mới và đối phó hiệu quả với những thách thức mới.
Trong 10 năm tới, cộng đồng này sẽ đóng vai trò lớn hơn, có tiếng nói
lớn hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Sau hơn một năm từ khi hình
thành Cộng đồng, ASEAN đã triển khai các biện pháp trong lộ trình tiếp
tục xây dựng và củng cố cộng đồng trên cả ba trụ cột, đồng thời thông
qua và đi vào triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025
cũng như các kế hoạch hành động giai đoạn 3 về sáng kiến hội nhập
ASEAN.
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có những sự chuyển biến không ngừng hiện
nay cũng đặt ra cho ASEAN những thách thức cả bên trong và bên ngoài,
trong đó một trong những thách thức lớn nhất là tình hình phức tạp ở
Biển Đông cùng sự gia tăng các hoạt động khủng bố và tư tưởng cực đoan ở
khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt là việc tổ chức khủng bố Nhà
nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chuyển dần hoạt động sang khu vực Đông
Nam Á.
Ngoài ra, trong bối cảnh ASEAN sẽ mở rộng quan hệ đối ngoại để đóng một
vai trò lớn hơn tại các diễn đàn khu vực, thì nhiều đối tác chính và
quan trọng của ASEAN đang trở lại hoặc trỗi dậy tư tưởng dân tộc cực
đoan cũng như chủ nghĩa dân túy. Điều này cũng đòi hỏi ASEAN phải có
những nỗ lực để đa dạng hóa quan hệ đối ngoại cũng như quan hệ kinh tế
đối ngoại.
Nửa thế kỷ qua là một giai đoạn phát triển quan trọng, sôi động và toàn
diện của ASEAN với những thành công và dấu ấn đậm nét. Bước vào giai
đoạn phát triển mới, hơn bao giờ hết, ASEAN đang tăng cường hơn nữa hợp
tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa...,
xây dựng lòng tin chiến lược, nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an
ninh ổn định trong khu vực và trên thế giới, đồng thời củng cố, nâng cao
vị thế của một tổ chức hợp tác khu vực gắn kết, năng động và thành
công./.
Theo TTXVN