Chủ Nhật, 22/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 7/5/2013 10:57'(GMT+7)

Bà Rịa – Vũng Tàu: Áp dụng nhiều đề tài khoa học vào thực tiễn

Với lợi thế là nguồn dầu khí, khí đốt và có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước cùng với sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của những thành tựu đổi mới của các tỉnh bạn, của địa phương hợp thành, hoạt động khoa học công nghệ đã đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Theo thời gian, sự phát triển của đội ngũ cán bộ  khoa học cũng như khả năng tiếp thu khoa học công nghệ ở một số lĩnh vực trong tỉnh đã không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Số lượng cán bộ có trình độ từ cao đẳng trở lên đang công tác trên địa bàn tỉnh  hiện có 24.880 người, trong đó tiến sỹ 81 người, thạc sỹ: 590 người, chuyên khoa y, dược cấp I, II: 172  người. Đây vừa là tiền đề, vừa là điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, phát triển và tiếp thu công nghệ mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học, đổi mới cách làm ăn nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm....

Trên thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong chiến lược phát triển chung của đất nước ngày càng đòi hỏi phải dựa trên những căn cứ khoa học. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ, 16 năm qua Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức thực hiện 217 đề tài, dự án cấp tỉnh và khoảng 500 đề tài cấp ngành (cơ sở) và doanh nghiệp, trên các lĩnh vực: Điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường; khoa học xã hội nhân văn; nông-lâm-ngư nghiệp; y tế-giáo dục... Trong số các đề tài đã được nghiệm thu, hiện có hơn 80% số đề tài, dự án đã được đưa vào áp dụng trong thực tế sản xuất và đời sống. Bước đầu các đề tài này đã phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn. 

 Về lĩnh vực điều tra cơ bản điều kiện tư nhiên và tài nguyên môi trường tỉnh đã kết hợp với các Viện, các Trung tâm nghiên cứu, các Trường đại học, và các Liên đoàn địa chất ở Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh để  tổ chức triển khai 48 đề tài thuộc nhiều lĩnh vực. Các kết quả nghiên cứu  này đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu để cung cấp các thông tin, luận cứ khoa học cho việc hoạch định các mục tiêu chiến lược, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Điển hình có thể kể đến là: quy hoạch KH&CN, quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch du lịch, giao thông, nông nghiệp và thuỷ sản. Bên cạnh đó các đề tài khoa học này cũng là cơ sở để địa phương xây dựng, tư vấn và giám định các dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng; nước khoáng nóng Bình Châu, đánh giá trữ lượng và mức khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và phản biện các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các khu công nghiệp của tỉnh, cầu Cửa Lấp, kè biển Phước tỉnh, nạo vét các cửa sông, luồng lạch cũng như chống sạt lở tại các lưu vực trọng yếu của địa phương như: cửa biển Lộc An, cửa Lấp, Bến Đầm, Côn Sơn.... 

Các đề tài nghiên cứu về môi trường và tài nguyên đã cung cấp hệ thống dữ liệu về hiện trạng và diễn biến phông môi trường trong toàn tỉnh, hiện trạng tài nguyên rừng, tài nguyên nước ngọt, đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Các số liệu điều tra nghiên cứu cũng đã cung cấp khá chính xác và đầy đủ những thông tin thực hiện ''đánh giá tác động môi trường'' cho các dự án đầu tư và làm cơ sở khoa học giải quyết các vụ khiếu kiện môi trường. Từ thực tế đó, các đề tài nghiên cứu về môi trường cũng đã nghiên cứu đề xuất xây dựng Trạm quan trắc môi trường và lập các dự án ''Quản lý môi trường Côn Đảo'', dự án du lịch sinh thái hồ Cốc, hồ Tràm, tạo tiền đề cho địa phương phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch sinh thái bền vững.

 Về khoa học xã hội và nhân văn, các đề tài cũng đã tạo ra những bước đột phá, được các độc giả địa phương cũng như giới nghiên cứu trong cả nước quan tâm, đánh giá cao. Với số lượng 56 đề tài, chiếm tỷ lệ 30% trên tổng số đề tài, các đề tài khoa học thuộc lĩnh vực KHXH&NV đã mang lại nhiều kết quả cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối chính sách, quy hoạch của tỉnh. Số lượng đề tài KHXH&NV khá phong phú và đa dạng về nội dung, trong đó có giáo dục đào tạo, nghiên cứu về Đảng, chính quyền, quản lý kinh tế; khoa học lịch sử; khảo cổ, văn hoá; xã hội, dân tộc... Những kết quả nghiên cứu sau quá trình thực hiện đề tài đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học, tạo điều kiện để Tỉnh uỷ, UBND và các ngành ban hành các quyết định, chính sách phát triển KT-XH của ngành và của địa phương.

Về lĩnh nông-lâm-ngư nghiệp, các đề tài đã và đang từng bước đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp nông thôn, miền núi- một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức triển khai thực hiện được 71 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực này, tập trung vào: trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, thú y, chế biến và bảo quản nông sản... Các đề tài này đã đưa vào áp dụng các bộ giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt như lúa, bắp, khoai mì, điều và các giống rau cao cấp. Đề tài sản xuất giống bắp lai là một điển hình đặc biệt. Năng suất bình quân của bắp cũng tăng từ 2 tấn/ha lên 4-6 tấn/ha. Bên cạnh các loại cây lương thực, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu còn chú trọng đến các giống vật nuôi, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong nông nghiệp. Chương trình sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn heo, phát triển gà lai thả vườn, phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi dê dưới tán rừng đã thực sự phát triển nhanh, mạnh mẽ, tạo những chuyển biến đáng khích lệ cho việc chuyển đổi cơ cấu  vật nuôi, tạo điều kiện để nông dân làm giàu, phát triển nhanh mô hình kinh tế trang trại gia đình. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đóng góp của các yếu tố KHCN chiếm 30% giá trị sản lượng nông sản gia tăng trong thời gian qua.

 Về y tế , nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, các đơn vị của ngành y tế đã tổ chức thực hiện 481 đề tài khoa học, trong đó có 23 đề tài cấp tỉnh. Các đề tài nghiên cứu và nghiên cứu ứng dụng đã  từng bước giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trong công tác dự phòng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Kết quả nghiên cứu lần đầu tiên của đề tài trẻ em khuyết tật đã đưa ra được số liệu cụ thể về trẻ khuyết tật ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trên cơ sở đó, tỉnh đã kêu gọi được 4 dự án đầu tư vào lĩnh vực này tổng kinh phí 3,32 tỷ đồng do Úc và Liên doanh dầu khí BP-Statoil tài trợ. Nhìn chung các dự án này đã mang lại hạnh phúc cho trẻ em khuyết tật cũng như tạo ra hiệu ứng để các ban ngành, đoàn thể cùng chung sức làm việc thiện, tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật sớm hòa nhập với cộng đồng. Các đề tài về y tế được triển khai tại bệnh viện Lê Lợi, Bệnh viện Bà Rịa và các trung tâm y tế cũng như các khu vực nông thôn đã, đang và sẽ  giúp cho việc chẩn đoán phát hiện và điều trị sớm  nhằm giảm chi phí điều trị, giảm thời gian nằm viện cho các bệnh nhân.

 Qua 16 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương II (khoá VIII), nhìn chung các đề tài khoa học đã tập trung nghiên cứu đúng hướng, có trọng tâm, giải quyết được những vấn đề quan trọng và bức xúc trong thực tiễn, đáp ứng được những yêu cầu cụ thể mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần II, III, IV đã đặt ra. Nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ đang từng bước được giải quyết một cách hiệu quả, đồng thời không ngừng phát triển, đáp ứng nhiều thách thức và đòi hỏi của thời đại cũng như  những yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường, sức khỏe... Bên cạnh đó, các đề tài khoa học cũng đã góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung./.

Hoàng Văn Quang
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất