Chủ Nhật, 24/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 27/4/2013 10:42'(GMT+7)

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang đến những vụ mùa vàng ở Tiền Giang

 Ngay sau 30/4/1975 , Tiền Giang thành công vang dội với những chương trình: tăng mùa, chuyển vụ; xây dựng vùng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ trên nền đất trồng lúa nổi một vụ bấp bênh trước đây. Từ năm 1990 đến nay, hơn hai thập niên tiếp theo đã trôi qua đầy ý nghĩa với ngành nông nghiệp Tiền Giang. GDP của tỉnh luôn giữ mức tăng bình quân khoảng 10%/ năm trong đó GDP bình quân đầu người tăng bình quân 8%/ năm. Điều đáng chú ý là khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm tỉ trọng tăng trưởng cao nhất với mức tăng bình quân 5,4%/ năm. Có như thế nhờ vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi, đi vào chiều sâu hiệu quả, thiết thực mở đường để Tiền Giang bứt phá đi lên, đồng thời mang đến cho nông dân những mùa vàng bội thu.

Tập trung đầu tư cho công tác khuyến nông

Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, thực hiện mục tiêu, từ nguồn kinh phí khuyến nông của tỉnh và Trung ương, từ năm 1990 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang xây dựng được 3.106 mô hình trình diễn với trên 13.000 nông dân tham gia, tổ chức 26.392 cuộc tập huấn, hội thảo thu hút trên 782.000 lượt nông dân đồng thời còn tổ chức 1.211 chuyến tham quan, học tập các mô hình sản xuất mới cho gần 45.000 lượt nông dân. Trung bình mỗi năm, tỉnh xây dựng từ 150 – 160 mô hình trình diễn khoa học nông nghiệp.

Các mô hình thực hiện bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh qua từng thời kỳ. Giai đoạn 1994 trở đi tập trung thực hiện 3 chương trình mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp: phát triển kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi đồng thời xác định 2 cây và 3 con chủ lực để đầu tư chiều sâu. Đó là cây lúa chất lượng cao; cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi lợn và bò. Giai đoạn sau năm 1999 tập trung khuyến nông đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo, trồng rau màu an toàn và phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng nhằm mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành nông sản song song đó mở các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan học tập giúp bà con nhân rộng các mô hình mới, hiệu quả trong quá trình sản xuất, giúp nông hộ tăng thu nhập, cải thiện đời sống đồng thời đổi mới nông nghiệp, nông thôn.

Lĩnh vực trồng trọt là thế mạnh của Tiền Giang được đầu tư có hệ thống qua các chương trình khuyến nông bài bản. Trung tâm Khuyến nông xây dựng được 618 mô hình trình diễn trên diện tích 1.985 ha với gần 4.000 hộ tham gia. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương, hàng năm Trung tâm thực hiện 50 – 100 mô hình khuyến nông trên cây lúa như: sản xuất lúa chất lượng cao, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm...Với sự tác động mạnh mẽ của việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào thâm canh, toàn tỉnh đã có 75% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, lúa thơm; hình thành những cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao, tập trung như: VD 20 ở Gò Công Tây; vùng lúa Jasmine ở địa bàn ngập lũ Cái Bè và vùng chuyên canh nếp bè ở Chợ Gạo...Chuyển biến rõ nét là có đến 49% diện tích sản xuất dùng giống nguyên chủng và xác nhận, trên 90% diện tích xuống giống tập trung đồng loạt né rầy, giúp kiểm soát được rầy nâu truyền virus gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Toàn tỉnh có 75% diện tích áp dụng IPM trên cây lúa, 7.000 công cụ sạ hàng giải quyết gieo sạ cho 48% diện tích, 75% diện tích áp dụng 3 giảm 3 tăng, trên 1.100 ha lúa sản xuất theo tiêu chí GAP và trồng hoa sinh thái quanh bờ ruộng. Nhờ vậy, trong các năm qua, mặc dù diện tích lúa giảm nhưng sản lượng luôn giữ ở mức trên 1,3 triệu tấn/ năm. Năm 1993, giá trị sản xuất lúa chỉ ở mức 10 triệu đồng/ ha/ vụ thì hiện nâng lên mức vài chục triệu đồng/ ha/ vụ.

Công tác khuyến nông trên cây ăn quả thực sự phát huy vai trò cuộc cách mạng mới làm lợi cho nông dân vùng đất Tiền Giang được xem là “Vương quốc trái cây” ở phía Nam. Tỉnh xác định 7 chủng loại trái cây chủ lực cần đầu tư chiều sâu: sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, thanh long Chợ Gạo, xơ ri Gò Công, dứa Tân Phước. Nhiều giống cây ăn quả chất lượng lên hương, giúp bà con đổi đời nhờ trúng mùa, trúng giá, đưa lợi nhuận lên hàng trăm triệu đồng/ ha vườn đặc sản/ thời điểm hiện nay, gần gấp đôi so với cách đây 20 năm.

Một thành công khác trên lĩnh vực trồng trọt phải kể đến là chương trình rau màu – một trong những lợi thế của nền nông nghiệp địa phương. Từ năm 2002 đến nay, nhiều mô hình khuyến nông về sản xuất rau an toàn được thực hiện tại 5 huyện trồng rau trọng điểm: Gò Công Đông, Châu Thành, Chợ Gạo, Tp Mỹ Tho và Thị xã Gò Công. Đây là tiền đề vững chắc để xây dựng vùng sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP. Diện tích trồng rau toàn tỉnh mở rộng lên 35.275 ha, năng suất 18 – 20 tấn/ ha với 40 chủng loại rau trong đó hầu hết nông dân đều thực hiện khâu vệ sinh đồng ruộng, sử dụng phân hữu cơ, áp dụng IPM...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều dự án, mô hình đang được triển khai đạt kết quả tốt: Chăn nuôi bò sữa năng suất cao, cải tạo đàn bò địa phương, nạc hóa đàn lợn, chăn nuôi lợn sinh sản đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học...Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, lấy việc “bỏ ống, tiết kiệm” là chính, nông dân mở rộng qui mô chăn nuôi trang trại, đưa tổng đàn gia cầm trên 7,3 triệu con, đàn lợn trên 564.000 con, đàn trâu bò trên 22.600 con...Trong lĩnh vực thủy sản, từ năm 1994 đến nay, Trung tâm xây dựng 609 mô hình trình diễn về nuôi trồng, khai thác thủy sản với 665 hộ tham gia. Hàng năm, tỉnh đạt sản lượng thủy sản thu hoạch 190.000 tấn trong đó riêng nuôi trồng 110.000 tấn.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Hiệu quả chuyển giao kỹ thuật đã giúp 90% nông dân am hiểu, nắm rõ quy trình và áp dụng vào sản xuất. Bà con nâng dần ý thức canh tác khoa học và đoạn tuyệt với tập quán đã lỗi thời, nặng về kinh nghiệm kiểu “cha truyền con nối”. Nhằm phát huy thành tựu đạt được, Tiền Giang đồng thời hết sức quan tâm công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến tới xác lập nền nông nghiệp hàm lượng công nghệ cao và hội nhập. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học áp dụng vào sản xuất tiêu biểu đang thực sự đi vào đời sống, đang tạo chuyển biến tốt trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn Tiền Giang.

Đó là đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất đạt 50 triệu đồng/ ha/ năm” thực hiện trong các năm 2002 – 2004 tại các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tp Mỹ Tho góp phần định hình vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng luân canh theo mô hình lúa + màu tập trung lớn, thiết thực nâng giá trị sản xuất lên gấp 2 – 3 lần so với khi độc canh cây lúa. Đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn” giai đoạn 2006 – 2008 đã xây dựng được 11 quy trình sản xuất rau an toàn và tiếp theo là đề tài “Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn” giai đoạn 2008 – 2010 giúp hình thành vùng chuyên canh rau an toàn 540 ha tại một trong những địa bàn khó khăn nhất tỉnh Tiền Giang một thời – Vùng ngọt hóa Gò Công.

Ngoài ra, còn phải kể đến Dự án phát triển sản xuất hoa tươi dành cho hộ nghèo tại các xã ven Tp Mỹ Tho thực hiện từ năm 2006 đến 2008. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật mới như sử dụng giống hoa cấy mô, sử dụng phân hữu cơ, xử lý đất, xử lý cây con giống sạch bệnh trước khi trồng...đã thay đổi hẳn diện mạo nghề trồng hoa truyền thống cũng như nâng chất lượng hoa tươi, hoa tết mang thương hiệu “Mỹ Tho, Tiền Giang”. Dự án hỗ trợ ngành nông nghiệp (ASDP) từ năm 2006 – 2007 đã giúp hình thành mạng lưới khuyến nông cơ sở với 307 khuyến nông viên hoạt động tại 100% số xã, phường có sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Mạng lưới này duy trì hoạt động hiệu quả đến nay, là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp trong việc tiếp tục cập nhật và chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến đến tận nông hộ có nhu cầu – một trong những yếu tố then chốt giúp nông dân vượt qua mọi trở lực, tổ chức sản xuất thành công và làm giàu theo hướng “ly nông bất ly hương”.

Ngày nay, thật không thể lý giải căn cơ được thành tựu quan trọng nền nông nghiệp ở một tỉnh trọng điểm về trồng trọt, chăn nuôi, có diện tích lúa ổn định 80.000 ha mỗi năm 3 vụ cho sản lượng trên 1,3 triệu tấn lúa, có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước với nhiều chủng loại trái cây đặc sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu, có ngành chăn nuôi giàu tiềm lực như Tiền Giang đã giành được nếu tách rời vai trò khoa học công nghệ. Để có được những mùa vàng bội thu, nông dân Tiền Giang kiên trì tiếp thu, làm chủ và ứng dụng khoa học công nghệ một cách hiệu quả nhất trên chặng đường dài từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng đến nay. Đó chính là thắng lợi vang dội của Đảng bộ và nhân dân quê hương Ấp Bắc anh hùng và Chiến thắng Ba Rày lịch sử giành được trong sự nghiệp đổi mới hôm nay./.

Minh Trí/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất